Mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp đạt 55 tỷ USD, liệu có quá sức?

Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng năm 2022 ước tăng khoảng 2,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%; lâm nghiệp tăng 4,97%; thủy sản tăng 4,15%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng năm 2022 đạt khoảng 2,7% - 2,8%...

 

Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối 2022 vào chiều 28/6/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu, các đơn vị trực thuộc Bộ cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Tín hiệu tích cực từ chăn nuôi, thủy sản, lâm sản 

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết diện tích cây lâu năm trên cả nước tính đến hết tháng 6/2022 đạt 3,69 triệu ha, tăng 52,6 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó cây ăn quả 1,17 triệu ha, tăng 25,8 nghìn ha; cây công nghiệp 2,2 triệu ha, tăng 17,2 nghìn ha; cây lâu năm khác 61,3 nghìn ha, tăng 2,2 nghìn ha.

6 tháng năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, ổn định giá thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm thiệt hại cho người chăn nuôi...

Nhờ vậy, tổng sản lượng thịt các loại 3,4 triệu tấn. Trong đó, đàn bò tăng 2,2%; sản lượng thịt 241,2 nghìn tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10,1%. Đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%. Đàn gia cầm tăng 1,2%; sản lượng thịt hơi 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.

Đối với ngành thủy sản, mặc dù có nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến khai thác thủy sản, nhưng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA được triển khai thực hiện hiệu quả… nên xuất khẩu thủy sản tăng rất mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác 1,93 triệu tấn, giảm 2,6% (khai thác biển trên 1,84 triệu tấn, giảm 2,8%). Sản lượng nuôi trồng 2,27 triệu tấn, tăng 7,4%; trong đó:cá 1,55 triệu tấn, tăng 6,5%; tôm 448,4 nghìn tấn, tăng 11,3%.

9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD 

Đề cập về kết quả xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Việt cho hay đến thời điểm này, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.

Trong đó: xuất khẩu cao su tăng 9,2% về khối lượng và tăng 12,2% về giá trị), xuất khẩu cà phê tăng 21,7% khối lượng, tăng 49,7% giá trị;  gạo tăng 16,2% khối lượng, tăng 4,6% giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng xuất khẩu, tăng 28% giá trị kim ngạch.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng  năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14,0%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng tăng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,49 tỷ USD (tăng 2,8%), mây, tre, cói thảm 481 triệu USD (tăng 8,2%).

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu).  Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, với kim ngạch khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Tuy đạt được kết quả tích cực, song Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong ngành nông lâm ngư nghiệp.

Đó là, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; bên cạnh đó giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao.

Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa nhiều khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến.

"Có thời điểm vẫn tái diễn tình trạng ùn ứ phương tiện xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bà con nông dân", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, đồng thời cũng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối. Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng tăng ở mức cao đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các dự án. 

Phấn đấu vượt chỉ tiêu chính phủ giao 

Nhận định về 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 dự báo tăng trưởng khoảng 3 - 3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Cùng với đó, giá cả tăng, lạm phát bắt đầu trở thành hiện tượng toàn cầu. Ngoài ra, môi trường địa kinh tế chính trị toàn cầu bất ổn hơn, gây ra những khó khăn mới cho kinh tế thế giới.

Những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; dịch Covid-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.

Tất cả những khó khăn đó sẽ tác động đến ngành nông nghiệp Việt Nam nửa cuối năm nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3,0%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9 - 3,1%.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không phải là câu chuyện nhất thời mà cần phải thay đổi tư duy phát triển, phải tư duy theo hướng tích hợp đa giá trị, tìm ra những giá trị mới. 

“Cần có sự chuyển động sang nền kinh tế nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào. Mỗi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa. Ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD), Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan của Bộ cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Cụ thể, nông sản chính 25 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; Thủy sản 10 tỷ USD; Các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

“Phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền nông nghiệp số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả. Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, rút; ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, cắt giảm phí và lệ phí; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bảo Ngọc (Theo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục