Lộ diện ngành hàng vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2022

Còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2022, nhưng các ngành hàng chủ lực như thủy sản, gạo, cà phê, giày dép - túi xách đã cầm chắc kết quả vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra từ đầu năm.

 

Kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường, ngành thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì tăng trưởng

Kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường, ngành thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì tăng trưởng

“Điểm danh” ngành hàng về đích vượt chỉ tiêu

Đứng trước những thử thách về biến động giá cả nguyên liệu đầu vào, bất ổn địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng…, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm ra hướng đi phù hợp nhất để đẩy mạnh xuất khẩu, khơi thông dòng chảy hàng hóa ra thị trường nước ngoài.

Kết quả sau 10 tháng, đã “lộ diện” những ngành hàng xuất khẩu có khả năng cán đích vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, như thủy sản, cà phê, gạo, dệt may, giày dép - túi xách.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2022, nhưng qua 10 tháng, ngành thủy sản đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều tháng liên tục, xuất khẩu thủy sản đều đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Gần đây, đơn hàng có giảm, nhưng vẫn đạt khoảng 900 triệu USD/tháng.

Từ đầu năm đến nay, thị trường thế giới có nhiều biến động và khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Dự kiến, ngành thủy sản sẽ về đích năm 2022 với kim ngạch đạt 11,2 - 11,4 tỷ USD, mốc kỷ lục của ngành sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Lạm phát tăng cao tại Mỹ, EU; kinh tế tại nhiều quốc gia giảm tốc, nhưng người tiêu dùng vẫn phải chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, tạo cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, nhưng theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khả năng tiêu thụ 6,5 triệu tấn, đạt 3,5 tỷ USD sẽ sớm thành hiện thực, bởi 10 tháng qua, các doanh nghiệp trong ngành đã xuất bán gần 6,1 triệu tấn, thu về 2,95 tỷ USD, tăng lần lượt 17,2% và 7,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Sáng cửa về đích vượt mục tiêu trong nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm còn có cà phê. Mới qua 10 tháng, cà phê đã mang về 3,27 tỷ USD, tăng 33,4% về trị giá xuất khẩu và tăng 10,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, xuất khẩu cà phê có thể kết thúc năm 2022 với con số 3,8 tỷ USD.

Tương tự, mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD của giày dép - túi xách cũng đã rất gần. Nhờ khai thác thị trường xuất khẩu hiệu quả, 10 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép - túi xách đạt 23,345 tỷ USD, trong đó túi xách đạt 3,378 tỷ USD, tăng 39,4%; giày dép đạt 20,057 tỷ USD, tăng tới 40,9% so với cùng kỳ năm 2021. Với kim ngạch xuất khẩu trung bình 2,2 tỷ USD/tháng, giày dép - túi xách sẽ tạo ra doanh thu xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong chặng đường còn lại của năm, từ đó cán đích năm 2022 với 27 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở.

Chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

 

Theo Bộ Công thương và các doanh nghiệp, xuất khẩu dù tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vài tháng gần đây, lượng đơn hàng mới có dấu hiệu tăng chậm. Đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., trong khi lượng hàng tồn kho tại các hệ thống bán lẻ vẫn ở mức cao.

Báo cáo mới nhất về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ ra rằng, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn, như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...; một số công ty bán được lượng hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10/2022.

Đặc biệt, USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu, vì nước ta phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Diễn biến thị trường xuất khẩu vẫn đang được các doanh nghiệp cập nhật sát để có những điều chỉnh phù hợp trong kinh doanh, tránh bị thua thiệt.

Ngành dệt may cho hay, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh trong quý IV/2022, cùng với đó, đơn giá cũng sụt giảm, song nhờ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm, nên ngành vẫn tự tin cán đích mục tiêu xuất khẩu 43 - 44 tỷ USD.

“Nếu nhìn vào tình hình quý IV, thì đúng là đang rất khó khăn. Nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng 9 tháng đã khá cao, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tính toán, nếu tình hình diễn biến không thuận lợi đến hết năm, thì khả năng mỗi tháng, ngành vẫn có thể xuất khẩu tối thiểu 3 tỷ USD, do đó mục tiêu 43 - 44 tỷ USD vẫn có thể đạt được. Nếu tình hình khả quan hơn, thì có thể đạt kết quả cao hơn so với mục tiêu”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas dự tính.

Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, nhu cầu giảm, Bộ Công thương chỉ đạo, các hiệp hội ngành hàng, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á - nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, tranh thủ khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Bảo Ngọc (Theo Báo đầu tư)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục