Ngày 28-11 tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) tổ chức khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 19, với sự có mặt của 550 đại biểu đến từ nhiều nước trong khu vực.
Phiên khai mạc hội nghị thường niên của WCPFC sáng 28-11 tại Đà Nẵng
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã tham gia WCPFC với tư cách "quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác" từ năm 2009.
Việc tham gia WCPFC là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai Hiệp định đàn cá di cư, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.
Qua đó thể hiện quyết tâm và mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi cá di cư xa.
Ngoài ra, việc tham gia WCPFC cũng giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ. Thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý.
Ông Trần Đình Luân - tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết thủy sản là một trong những ngành rất quan trọng của Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người dân.
Từ phát triển chủ yếu quy mô nhỏ, tới nay ngành thủy sản Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng phát triển bền vững với định hướng tăng sản lượng nuôi trồng và giảm sản lượng khai thác.
Tính tới tháng 11-2022 này, tổng sản lượng đánh bắt ước đạt 8,2 triệu tấn. 10 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,4 tỉ USD.
Cũng theo ông Luân, nhằm phát triển bền vững nghề cá, từ lâu Việt Nam đã đồng hành cùng với 26 quốc gia thành viên chính thức, 7 quốc gia chưa phải là thành viên nhưng có hợp tác và 7 vùng lãnh thổ trong cộng đồng WCPFC để thực thi các điều khoản mà tổ chức này đặt ra về công tác quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản di cư trong khu vực.
Hằng năm Việt Nam đều cử đầu mối tham gia hội nghị thường niên của WCPFC để giải trình các trách nhiệm tuân thủ và bảo vệ đơn đăng ký cơ chế cho năm tiếp theo, tiếp tục vận động để các nước thành viên WCPFC ủng hộ Việt Nam tiến tới trở thành thành viên chính thức của WCPFC.
Diễn ra từ ngày 28-11 đến hết 3-12, hội nghị thường niên được xem là hoạt động quan trọng nhất của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương sẽ tập trung xử lý các đầu việc như: đánh giá một số hoạt động quan trọng trong năm, xem xét các chính sách biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo.
Cũng tại hội nghị lần này, các thành viên sẽ xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối đơn xin gia nhập của các quốc gia trong diện chưa phải thành viên nhưng có mối quan hệ hợp tác (trong đó có Việt Nam).
Bảo Ngọc (Theo báo Tuổi trẻ)