WWF: Tiêu thụ thuỷ sản ở Anh cần được đánh giá tác động toàn cầu

(vasep.com.vn) Nghiên cứu được thực hiện từ nhóm bảo tồn phân tích tác động tự nhiên, khí hậu và xã hội của sản xuất và tiêu thụ thủy sản ở Anh.

WWF Tiêu thụ thuỷ sản ở Anh cần được đánh giá tác động toàn cầu

WWF hiện đang thúc giục chính phủ Anh tiến hành các "nỗ lực phối hợp và hợp tác" để giải quyết các tác động tổng hợp về tự nhiên, khí hậu và xã hội của việc tiêu thụ hải sản ở Anh, đồng thời kêu gọi các Bộ trưởng đặt mục tiêu đảm bảo 100% thủy sản được sản xuất và tiêu thụ ở Anh đến từ các nguồn bền vững vào năm 2030.

Nghiên cứu mới cho thấy vào năm 2019, lượng hải sản tiêu thụ ở Anh đạt 887.000 tấn - tương đương với 5,2 tỷ phần ăn cá và khoai tây chiên về khối lượng, trong đó hơn 80% được đánh bắt hoặc nuôi trồng bên ngoài vùng biển của Anh.

WWF cho biết bản báo cáo có tựa đề Risky Seafood Business, lần đầu tiên đã định lượng và phân tích lượng hải sản tiêu thụ ở Anh và các tác động của nó. Bằng cách xem xét chuỗi cung ứng của 33 loài hải sản ở Anh và các vùng biển toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các rủi ro khác nhau liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ các loài này, từ tác động của chúng đối với hệ sinh thái, khí hậu và xã hội.

Báo cáo chỉ ra một số loài như vẹm và cá mòi có ảnh hưởng tương đối thấp hơn so với các loài như cá kiếm và cá ngừ - được đánh giá là có rủi ro cao trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tác động đến khí hậu và hệ sinh thái của chúng.

Báo cáo cho thấy hơn 250 loài nguy cấp, bị đe dọa và được bảo vệ, từ cá voi và cá heo đến chim biển và cá mập, đã bị tác động trực tiếp bởi các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên khắp thế giới.

WWF công nhận rằng đã có tiến bộ trong việc phát triển và củng cố các chương trình chứng nhận cho thủy sản, tuy nhiên, tác động lên môi trường vẫn tồn tại đáng kể, nhiều trong số đó trở nên trầm trọng hơn do chuỗi cung ứng phức tạp cho việc nhập khẩu thủy sản vào Anh. Do đó, WWF cho rằng chính phủ Anh nên tăng cường các quy định về việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU), đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn môi trường cốt lõi với nhập khẩu thủy sản.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng có một phần vai trò và họ nên ưu tiên sức khỏe của hệ sinh thái biển trong việc tìm nguồn cung ứng. Điều này có thể cải thiện việc quản lý nghề cá, bao gồm thông qua việc cung cấp đa dạng các lựa chọn hải sản cho người tiêu dùng.

Nhìn chung, báo cáo cho thấy rằng các loài hải sản có ít tác động đến môi trường và xã hội có thể là một nguồn cung protein "tương đối bền vững".

Theo một nghiên cứu riêng biệt, nếu được quản lý bền vững, sản lượng thủy sản toàn cầu có thể tăng từ 36 đến 47% vào năm 2050.

Kate Norgrove, Giám đốc điều hành vận động và các chiến dịch tại WWF cho biết, đại dương là chưa kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Việc hành động để tăng cường chứng nhận cho thủy sản bền vững trong chuỗi cung ứng là bước đầu tiên quan trọng, cùng với những nỗ lực từ các nhà bán lẻ nhằm cải thiện tính minh bạch trên các chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu. Việc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường cốt lõi cho tất cả thực phẩm được bán ở Anh - bao gồm cả hải sản - sẽ có tác động chuyển đổi. WWF kêu gọi chính phủ Anh tham gia và thực hiện.

Mỹ Hạnh (Theo undercurrentnews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục