Xuất khẩu thuỷ sản đối mặt với nhiều khó khăn trong các tháng cuối năm

Theo Tổng cục Hải Quan, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU tăng 20%, đạt trên 486 triệu USD. Dự báo, từ nay đến cuối năm, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và thẻ vàng IUU, mức tăng trưởng này khó có thể duy trì được.

Thiếu nhân lực trầm trọng

6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều tăng trưởng khả quan như tôm đạt 1,7 tỷ USD (tăng 13,7%); cá tra đạt 780,8 triệu USD (tăng 17%); cá ngừ đạt 355 triệu USD (tăng 21,3%)…Trong 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm cán đích 8,7-9 tỷ USD.

Xuất khẩu thuỷ sản đối mặt với nhiều khó khăn trong các tháng cuối năm
Nhân lực ngành Thuỷ sản đang bị thiếu hụt trầm trọng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, chiếm tỷ trọng trên 11%. Trong đó, những thị trường chi phối trong khối này là Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy là những thị trường chính tiêu thụ tôm và cá ngừ của Việt Nam.

Hiện nay, kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vắc xin chống Covid và các gói hỗ trợ sau Covid. Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3 năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm.

Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp. Các công ty thủy sản rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Hàng trăm công nhân đã phải đi cách ly tập trung khiến nhiều công ty không đủ nhân lực để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Đồng thời, nhiều công nhân lo ngại bị lây nhiễm nên không dám đi làm. Do đó, nhiều doanh nghiệp có đến 30%, thậm chí tới 50% số công nhân xin nghỉ việc khiến hoạt động sản xuất rơi vào tình trạng “nghỉ Tết” sớm.

Cùng với đó, vấn đề thẻ vàng IUU, VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản sang EU nửa cuối năm không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm. Theo ước tính của VASEP, thủy sản sang EU nửa cuối năm chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 lên 1,087 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.

Doanh nghiệp đối mặt với chi phí tăng, giảm nguyên liệu

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt chi phí đều tăng cao, mức tăng 1,5-2 lần so với trước. Khi dịch bệnh lây lan mạnh hơn tại các tỉnh ĐBSCL, DN phát sinh thêm các chi phí cho công nhân ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp, xét nghiệm COVID-19…Vì thế, nhiều DN rơi vào cảnh khốn khó.

Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp thủy sản, hiện họ đang phải đối mặt tình trạng
Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp thủy sản, hiện họ đang phải đối mặt tình trạng "phí chồng phí"

Theo VASEP, hiện tại ở các tỉnh ven biển như Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…các DN đều giảm 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu. Dự báo, xuất khẩu tôm, cá ngừ, cá ba sa…trong 6 tháng cuối năm khó giữ được tăng trưởng như 6 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết hiện nay tình hình Covid-19 đang diễn ra phức tạp với các ổ dịch xuất hiện ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp thủy sản. Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực huy động tối đa nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch như tiêm vacxin cho nhân viên, ngừng hoặc cắt các khâu sản xuất, đưa công nhân vào ở trong phạm vi nhà máy.

Trao đổi với PV, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: "Đại dịch Covid-19 khó khăn nhưng cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp nước nhà vươn lên. Những chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam nắm bắt cơ hội và thời cơ. Công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam cho đến nay đạt kết quả tương đối tốt đã tạo nền tảng cho việc tổ chức sản xuất".

(Theo Nhà báo & Công luận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục