Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản

Theo báo cáo mới đây của Rabobank, đến hết năm 2017, Việt Nam đã lọt vào Top 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Theo Rabobank, trong giai đoạn từ 2012 - 2017, tăng trưởng thương mại thủy sản toàn cầu đạt 4%/năm, ước đạt 153 tỷ USD năm 2017. Giá trị thương mại thủy sản tăng cao hơn so với lượng thủy sản được giao dịch, là nguyên nhân chính làm tăng trưởng thương mại thủy sản trên thế giới.

Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD vào năm 2017. Đứng thứ 2 là Nauy với hơn 10 tỷ USD xuất khẩu. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan vươn lên đứng vị trí thứ 3 với giá trị xuất khẩu năm 2017 là 8,32 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trong giai đoạn 2012 - 2017 chủ yếu dựa vào thương mại tôm và cá thịt trắng (cá tra, basa). Điều đáng chú ý là vào cuối giai đoạn nói trên, xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc sang Mỹ bị giảm tới 33%, tuy nhiên, khoảng trống đó đã được cá tra Việt Nam lấp đầy.

Về các thị trường nhập khẩu, EU, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất. Từ 2012 - 2017, giá trị nhập khẩu thủy sản của EU tăng 4 tỷ USD, Mỹ tăng 5 tỷ USD… Cũng trong giai đoạn này, giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng tới 3 tỷ USD.

Theo dự báo của Rabobank, trong những năm tới, Trung Quốc và Nauy tiếp tục là 2 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chậm lại. Vị trí của các nước xuất khẩu lớn có thể thay đổi do các thách thức trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Về nhập khẩu, trong tương lai gần, EU và Mỹ vẫn sẽ là 2 thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng mạnh về nhập khẩu, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu thủy sản đứng hàng thứ 3 thế giới, nhất là khi dịch tả lợn Châu Phi đang làm gia tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng thủy sản ở Trung Quốc.

Nuôi trồng vượt khai thác

Lâu nay, sản lượng thủy sản từ khai thác vẫn luôn cao hơn so với nuôi trồng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, điều này sẽ thay đổi. Cụ thể, theo Rabobank, vào năm 2020, sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ vượt sản lượng thủy sản khai thác. Nguyên nhân là do trong nhiều năm qua, sản lượng thủy sản khai thác chủ yếu đi ngang.

Trong khi đó, nhờ chất lượng con giống được cải thiện, các công nghệ nuôi ấp mới, các sáng kiến về thức ăn thủy sản và chuyển dịch sản xuất theo hướng đẩy mạnh áp dụng các công nghệ nuôi hiệu quả hơn, thâm canh cao hơn, đã giúp cho sản lượng thủy sản nuôi trồng liên tục tăng lên.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục