Tiền Giang: Tân Phú Đông thả nuôi trên 4.600 ha thủy sản

Thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng và thế mạnh vùng đất nhiễm mặn ven biển, huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) khuyến khích nông dân mở rộng diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, giúp giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia.
Tiền Giang Tân Phú Đông thả nuôi trên 4600 ha thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, từ đầu năm đến nay, bà con đã đưa trên 4.600 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, tăng hơn 400 ha so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 65% chỉ tiêu cả năm 2021. Huyện đang đề ra mục tiêu năm 2021 mở rộng diện tích thả nuôi thủy sản nước mặn, lợ lên 7.180 ha, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, các loại tôm, cá có giá trị kinh tế khác.

Qua đánh giá của ngành chức năng, nông dân địa phương sau nhiều vụ nuôi liên tiếp đã tiếp cận và nắm vững khoa học - kỹ thuật, đúc kết kinh nghiệm thâm canh, là chìa khóa để nuôi thủy sản thành công, giành những vụ nuôi bội thu. Trong đó, bà con chú trọng tuân thủ lịch thời vụ xuống giống thủy sản, gắn nuôi thủy sản với bảo vệ môi trường nuôi, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho tôm, sử dụng tôm giống sạch bệnh; áp dụng kỹ thuật và xây dựng những mô hình nuôi tôm phù hợp, hiệu quả, ứng dụng khoa học - công nghệ cao như quy trình nuôi tôm theo hướng GAP, nuôi tôm 02 - 03 giai đoạn vừa đảm bảo năng suất cao, vừa đạt an toàn sinh học...

Là huyện cù lao nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, tiếp giáp biển Đông, huyện chú trọng phát triển thế mạnh nghề nuôi thủy sản xuất khẩu theo hướng hình thành những vùng chuyên canh, phù hợp với đặc thù địa phương, đa dạng hóa cơ cấu nuôi trồng, nhân rộng những mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến,... Đặc biệt, Tân Phú Đông là huyện duy nhất trong tỉnh Tiền Giang xây dựng mô hình nuôi 01 vụ tôm + 01 vụ lúa, tập trung ở xã Phú Tân nằm ven biển Đông trên diện tích lên đến 500 ha. Đây là mô hình nuôi tôm phù hợp với chủ trương chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Phú Tân có tổng diện tích tự nhiên gần 12.400 ha, với hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, trong đó chủ yếu nuôi trồng thủy sản mặn, lợ; còn lại đất trồng trọt khác với diện tích khoảng 200 ha. Xã định hướng xây dựng mô hình xã chuyên ngư đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang. Theo nông dân Hà Văn Hải, cư ngụ xã Phú Tân, nhiều năm nay, áp dụng thành công mô hình lúa + tôm, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Nhờ mô hình tôm + lúa, gia đình ông Hải đã trở thành triệu phú nông thôn vùng đất nhiễm mặn ven biển nhiều khó khăn. Kinh nghiệm áp dụng thành công mô hình lúa + tôm được ông chia sẻ rộng rãi để nông dân địa phương cùng nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Năm nay, thời tiết, thủy văn thuận lợi, hạn hán và xâm nhập mặn không gay gắt như trong mùa khô các năm trước. Do vậy, nghề nuôi thủy sản tại đây cũng phát triển thuận lợi, nông dân rất phấn khởi. Theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện chỉ có trên 26 ha nuôi tôm theo quy trình công nghiệp bị nhiễm bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan trên tôm, giảm gần 10 ha so với năm trước. Huyện cũng đã cấp phát hóa chất xử lý mầm bệnh trên tôm cho 51 hộ dân với số lượng 8.235kg hóa chất. Qua đó, kịp thời khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh, không để mầm bệnh lây lan ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về sau.

Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Tân Phú Đông cũng đã thu hoạch đạt sản lượng gần 11.000 tấn thủy sản các loại, tăng hơn 2.700 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện phấn đấu cả năm đạt sản lượng thủy sản từ nuôi trồng và đánh bắt trên 29.000 tấn.

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục