Tân Phú Đông phát triển phong trào nuôi thủy sản

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong năm 2021, huyện Tân Phú Đông tiếp tục đẩy mạnh phong trào nuôi thủy sản. Các cấp, các ngành tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao. Trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích nuôi thủy sản, do địa hình cù lao ven biển, có nhiều lợi thế trong phát triển nghề nuôi thủy sản.
Tân Phú Đông phát triển phong trào nuôi thủy sản
Người dân nuôi tôm trên Cồn Nổi, ấp Tân Thành, xã Tân Phú.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện thả nuôi gần 4.300 ha thủy sản, đạt 61% kế hoạch diện tích, chủ yếu là nuôi tôm theo hai mô hình công nghiệp và quảng canh. Nhiều diện tích cho thu hoạch, tổng sản lượng gần 9.000 tấn, giá tôm tương đối ổn định ở mức cao, người nuôi có lời. Huyện tiếp tục tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ việc nuôi thủy sản, chủ yếu làm bằng cơ giới thay cho lao động thủ công trước đây. Bên cạnh đó, các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, lưới điện nông thôn… tiếp tục được mở rộng trong các vùng nuôi, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi thủ sản của huyện phát triển.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn huyện hiện có hơn 7.000 ha nuôi thủy sản có khả năng mở rộng trong thời gian tới. Cùng với 02 mô hình nuôi tôm công nghiệp và quảng canh, mô hình tôm - lúa cũng được duy trì sản xuất tại 02 xã Phú Tân và Phú Đông, với diện tích khoảng 300 ha. Mô hình tôm - lúa được áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững phong trào nuôi thủy sản của địa phương.

Với điều kiện địa lý và môi trường thổ nhưỡng thích hợp cho nghề nuôi thủy sản, huyện Tân Phú Đông đã chú trọng khai thác và phát triển phong trào nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm, diện tích ngày càng được mở rộng. Không chỉ ở hai xã truyền thống là Phú Tân, Phú Đông, hiện nay, phong trào nuôi tôm cũng được duy trì phát triển ở các xã Tân Thạnh, Phú Thạnh và Tân Phú.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, phong trào nuôi thủy sản trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Việc quy hoạch vùng nuôi còn chưa đồng bộ, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm chưa chặt chẽ, nhất là công tác kiểm soát nguồn tôm giống còn hạn chế, là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh mầm bệnh trên tôm trong thời gian qua. Do đó, để phong trào nuôi thủy sản của huyện phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần sớm quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở các mô hình đã được xác định, mang lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi tôm công nghiệp, quảng canh và mô hình tôm - lúa.

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục duy trì và phát triển mô hình tôm - lúa tại hai xã Phú Tân, Phú Đông và bố trí lại vùng nuôi nghêu, sò, tiếp tục khai thác tốt diện tích nuôi thủy sản hiện có, bảo đảm đạt sản lượng bình quân 24.000 tấn/năm; phát triển các cơ sở sản xuất giống bảo đảm chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ, quản lý chặt chẽ môi trường vùng nuôi.

 Tiến hành củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ quản lý cộng đồng, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh kết hợp vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường nước, không để phát sinh mầm bệnh trên tôm, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn… để phong trào nuôi thủy sản của huyện phát triển ngày càng bền vững hơn và khẳng định nghề nuôi tôm là “kinh tế mũi nhọn” đem về nguồn thu đáng kể cho địa phương.

(Theo Cổng TTĐT Tỉnh Tiền Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục