Nuôi thủy sản thâm canh tập trung: Hướng đi hiệu quả

Với lợi thế có nhiều diện tích mặt nước, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tập trung xây dựng, hình thành nhiều vùng thủy sản tập trung thâm canh, bán thâm canh. Hiện, cơ quan chuyên môn huyện đang hỗ trợ người dân các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước phát triển thủy sản theo hướng bền vững.

Tạo lợi thế từ khó khăn

Khoảng chục năm trở lại đây, xã Lão Hộ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi đầm lầy hoang hóa, lau sậy sang nuôi thủy sản. Với bước đi này, từ xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, kinh tế từng bước được vực dậy, đời sống người dân dần cải thiện. Hiện toàn xã có 52 ha mặt nước, trong đó 48 ha đã quy hoạch tập trung, được người dân nuôi theo hướng thâm canh, bán thâm canh; xử lý môi trường nước, chế độ chăm sóc, lựa chọn thức ăn an toàn cho cá.

Nuôi thủy sản thâm canh tập trung Hướng đi hiệu quả
Thu hoạch cá tại khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Xuân Phú.

Cùng đó, đầu tư kinh phí mua sắm hệ thống máy tạo ô-xy, máy cho cá ăn, máy băm cỏ, thậm chí cả thiết bị đo chỉ số môi trường. Nhờ vậy cá được nuôi với mật độ cao, chất lượng, hiệu quả kinh tế nâng lên. Chẳng hạn như hộ anh Nguyễn Văn Tưởng ở thôn Liên Sơn, có gần 1 ha mặt nước, nhờ phương pháp nuôi thâm canh, 7 tháng anh thu hoạch một vụ, sản lượng đạt 9-10 tấn, mỗi năm thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Gia đình các ông: Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Tỵ, thôn Quyết Tiến; Nguyễn Khắc Luyện, thôn Liên Sơn… cũng có nguồn thu đáng kể từ thủy sản.

Xã Thắng Cương (cũ) nay thuộc thị trấn Nham Biền nằm ven sông Cầu, có nhiều ruộng trũng, cấy lúa 1 vụ không ăn chắc. Địa phương chuyển đổi những diện tích đó thành các hồ ao để nuôi cá. Hơn 30 ha mặt nước, chủ yếu ở khu ngoại đê được hình thành trong 5-6 năm qua là chưa lớn nhưng đã góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Phần lớn số diện tích này được các hộ ở tổ dân phố Tân Cương, Phấn Lôi áp dụng phương pháp nuôi thâm canh, VietGAP cho năng suất cao. Nhiều hộ thu được 13-14 tấn cá/ha/vụ. Từ khó khăn, đến nay nuôi trồng thủy sản trở thành lợi thế lớn ở khu vực này.

Mở rộng diện tích thâm canh tập trung

Năm 2020 sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 5.160 tấn, tăng gần 200 tấn so với năm 2019, trong khi diện tích nuôi trồng giảm gần 100 ha. Mỗi năm nguồn thu từ thủy sản của huyện đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Toàn huyện Yên Dũng hiện có 992 ha nuôi cá. Ông Khổng Minh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Chăn nuôi thủy sản đã có những chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa; từ sản xuất truyền thống, tận dụng, người dân đã chuyển sang nuôi thâm canh và bán thâm canh. Hệ thống ao hồ được các hộ đầu tư, cải tạo, môi trường ao nuôi bảo đảm vệ sinh và an toàn dịch bệnh; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng.

Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, tạo thành chuỗi liên kết phát triển, huyện chủ trương xây dựng, hình thành các vùng nuôi thâm canh tập trung với quy mô lớn. Đến nay đã có 332 ha được triển khai theo hình thức này (tăng gần 200 ha so với cách đây 5 năm), tập trung ở các xã: Lão Hộ, Lãng Sơn, Đồng Phúc, Đồng Việt, Tư Mại, Xuân Phú, thị trấn Nham Biền. Trong đó, 38 ha nuôi theo hướng VietGAP, cập nhật thông tin quá trình nuôi hằng ngày, điều chỉnh chế độ chăm sóc để hạn chế phát sinh bệnh.

Với những diện tích này, sản lượng có thể đạt 18-20 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với nuôi bán thâm canh. Chất lượng sản phẩm cũng đạt cao, thịt cá chắc, bảo đảm an toàn và được người tiêu dùng đón nhận với phản hồi tích cực. Đơn cử, hộ anh Trần Thế Hậu ở Tổ dân phố Tân Cương (thị trấn Nham Biền) có hơn 5.000 m2, mỗi năm thu hoạch gần 10 tấn. Sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi, nhất là các bếp ăn, nhà hàng, chợ đầu mối. Thời điểm không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá trung bình 35 - 40 nghìn đồng/kg.

Năm 2020 sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 5.160 tấn, tăng gần 200 tấn so với năm 2019, trong khi diện tích nuôi trồng giảm gần 100 ha. Kết quả này cho thấy rõ hiệu quả của việc phát triển thủy sản theo hướng thâm canh tập trung. Mỗi năm nguồn thu từ thủy sản của huyện đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Mặc dù cho hiệu quả kinh tế cao nhưng người nuôi thủy sản đang băn khoăn bởi giá thức ăn (cám) tăng trong khi giá cá có dấu hiệu giảm; đầu ra cho sản phẩm chưa thực sự ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào tư thương dẫn đến dễ bị ép giá. Trước vấn đề này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ tham mưu với UBND huyện chỉ đạo xây dựng, hình thành, duy trì các chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các đơn vị cung ứng vốn, vật tư, kỹ thuật. Tích cực tìm kiếm, tạo sự kết nối với những đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn tập thể, doanh nghiệp. Cùng đó ưu tiên tập trung mô hình nuôi cá "sông trong ao". Nghiên cứu phát triển các loại cá đặc sản như cá chuối hoa, cá lăng nhằm tiếp cận chuỗi siêu thị, nhà hàng.

(Theo báo Bắc Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục