Bất chấp những khó khăn do COVID-19, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tăng trưởng ấn tượng, trong đó có đóng góp lớn của nông sản Việt.
Ngày 1/8/2021 là tròn một năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Cùng với gạo, hàng loạt lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0% theo cam kết trong EVFTA như: chanh leo, tôm sú, bưởi, thanh long...
Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định Thương mại tự do (FTAP), trong đó có Hiệp định EVFTA. Đây là một công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về các cam kết của Hiệp định, nắm bắt thông tin thị trường để từ đó tận dụng hiệu quả Hiệp định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh hàng nông sản hải sản đã nhanh chóng tận dụng tối đa những lợi thế mà Hiệp định mang lại, chủ yếu là theo hướng tăng nhập khẩu hàng Việt Nam.
Một năm qua, các doanh nghiệp châu Âu đã tận dụng triệt để các lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam mang tới, theo cả hai chiều, nhưng nổi trội nhất vẫn là tăng nhập khẩu các dòng nông sản, hải sản Việt Nam đã được miễn giảm thuế.
"Hiệp định thương mại giúp chúng tôi có thể trả ít thuế hơn nhiều, làm cho các sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn và chúng tôi có thể nhập thêm các sản phẩm mới, từ nước dừa, sản phẩm từ gạo như bún hay bánh đa nem, cũng như đa số các nông sản khác", Tổng Giám đốc Công ty Nhập khẩu nông sản SEA (Bỉ) Francois Colonval cho hay.
Nông sản cũng như hải sản Việt Nam được doanh nghiệp châu Âu nhập khẩu tăng vọt, vì nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Vào thời điểm không thể nói là thuận lợi, dịch bệnh chưa khống chế được, chi phí vận tải tăng, Hiệp định vẫn thúc đẩy được xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Âu.
"Chúng tôi thấy rằng từ khi áp dụng Hiệp định, thủ tục hải quan dễ dàng hơn, chỉ cần một tài liệu duy nhất, rất thuận tiện khi nhập hàng theo dạng container", Tổng Giám đốc Công ty So'kanaa (Pháp) Christophe Luijer cho biết.
Gạo Việt Nam là một ví dụ mang tính biểu trưng cao, mặc dù lượng gạo được miễn thuế theo Hiệp định không nhiều, chỉ 80.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Âu trong quý I năm nay đã tăng 40% so với quý I/2020, khi Hiệp định đã ký nhưng chưa được áp dụng trên thực tế.
"Từ tháng 8/2020 đến nay, công ty chúng tôi nhập khẩu rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, các đặc sản vùng miền, các loại thực phẩm chế biến. Điển hình như mặt hàng gạo, tính từ năm ngoái tới nay, công ty tôi nhập khẩu 100 container gạo. Nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do, chúng tôi được miễn thuế khoảng 4.000 Euro cho một container", Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan) Phạm Văn Hiển chia sẻ.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu bãi bỏ hầu hết thuế nhập khẩu rau quả và nông sản Việt Nam vào châu Âu. Các ưu đãi thuế giúp nông sản Việt Nam từ giữa năm 2020 có lợi thế vượt trội về giá bán so với các sản phẩm tương đương của Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia - những nước chưa ký được hiệp định thương mại với châu Âu.
Kết quả Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu trong năm đầu tiên
Nhìn từ nông sản Việt có thể thấy Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu đã mang lại kết quả gần như ngay lập tức trong những tháng đầu tiên Hiệp định có hiệu lực với những con số khá ấn tượng.
Tính từ ngày 1/8/2020 tới hết năm 2020, trong 5 tháng đầu tiên của Hiệp định, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng mạnh nhất là các sản phẩm từ cao su, đạt 61 triệu USD, tăng 57%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm, 70,5 triệu USD, tăng hơn 1/3; rau quả đạt hơn 63 triệu USD, tăng gần 13%; gạo, đạt 5,2 triệu USD, tăng xấp xỉ 4%.
Tính chung tất cả các sản phẩm được miễn giảm thuế trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực, trong đó xuất khẩu sang châu Âu tăng 18%, và nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam tăng hơn 19%.
Dư địa cho nông sản vào thị trường châu Âu rất lớn
Nhóm hàng nông sản bị tác động mạnh nhưng vẫn bứt phá được trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Đây sẽ là cơ sở để nông sản Việt có thể mở rộng dư địa thị trường trong thời gian tới.
"Nhìn lại với những kết quả đó thì tôi thấy những tín hiệu lạc quan. Điều đầu tiên là một lần nữa khẳng định lại hàng Việt Nam chúng ta hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để thâm nhập vào thị trường châu Âu, là một thị trường tiêu chuẩn cao.
Thứ hai là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng Việt Nam chúng ta tiếp tục vào được châu Âu đã đóng góp và duy trì đa dạng hóa chuỗi cung ứng, duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu và thể hiện hàng Việt Nam sẵn sàng có mặt ở cả những lúc các bạn đang cần nhất. Tôi nghĩ đây là một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thứ ba là dư địa mà chúng ta nhìn lại còn rất nhiều. Ví dụ, hàng năm Liên minh châu Âu cần nhập các sản phẩm về nông, lâm, ngư nghiệp, thủy hải sản vào khoảng trên 150 tỷ USD, trong khi chúng ta hiện nay mới chỉ xuất được khoảng 5 tỷ. Vừa qua những mặt hàng đó đã vào được, cộng với lợi thế của EVFTA khi những mặt hàng này đặt thuế suất bằng 0. Tôi tin chắc rằng con số hàng nông, lâm thủy, hải sản của chúng ta vào châu Âu sẽ không chỉ dừng lại con số 5 tỷ", Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu, Nguyễn Văn Thảo nhận định.
Rõ ràng với EVFTA, Việt Nam không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm "tín chỉ" chứng minh trình độ sản xuất nông sản của nước ta, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới, từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.
(Theo VTV)