Ngày 9/8, theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam (gọi tắt là Tổ công tác) 970 cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam của các nước sẽ tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến lại đang có nguy cơ mất cơ hội do phải cắt giảm công suất hoạt động, thiếu công nhân, hoạt động thu mua tôm, cá tra cũng gặp khó khăn.
Trong báo cáo Tổ công tác 970 về tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo các sản phẩm đông lạnh, chủ yếu là thủy sản xuất khẩu sẽ tăng nhu cầu từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022 do các quốc gia nhập khẩu bắt đầu mùa đông từ ngày 20/9 hằng năm đến giữa tháng 3 năm sau.
Các nước nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng thu mua từ nay đến cuối tháng 10/2021 để trữ hàng bán vào dịp năm mới 2022 và các lễ hội của thế giới diễn ra từ tuần thứ 2 của tháng 11/2021. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang săn tìm các hợp đồng dài hạn để ký với giá cố định cho đến mùa hè năm sau.
Tuy nhiên với tình hình hiện nay, sản xuất và chế biển thủy sản tại Nam bộ đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như các quy định về kiểm soát lưu thông, dẫn đến có thể bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu.
Theo thống kê, tại các tỉnh phía Nam, cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng đủ yêu cầu “3 tại chỗ” được tiếp tục hoạt động có 324/449 cơ sở, chiếm 72%. Số còn lại không đáp ứng yêu cầu nên phải tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, tổng công suất chế biến thủy sản giảm khoảng 30 - 50% do việc thiếu công nhân và phải chia ca sản xuất.
Theo dự báo các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Do vậy, tổ công tác kiến nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm soát dịch bệnh để tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là với các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu.
(Theo báo Pháp luật VN)