Với những ưu điểm vượt trội như giảm chi phí thức ăn, giảm dịch bệnh, cá tăng trưởng nhanh hơn, bảo vệ môi trường nước… nuôi cá áp dụng công nghệ vi sinh đang mở ra nhiều triển vọng để phát triển nghề nuôi thủy sản theo chiều sâu.
Thay vì nuôi cá theo phương pháp truyền thống và sử dụng thức ăn công nghiệp, hiện nay, nhiều hộ ở các vùng nuôi cá trọng điểm của tỉnh Lào Cai như thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng), xã Quang Kim, xã Bản Qua (Bát Xát) bắt đầu chuyển sang nuôi cá bằng chế phẩm vi sinh. Mô hình này bước đầu cho thấy lợi ích kép, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa cải thiện môi trường ao nuôi.
Cuối năm 2020, gia đình ông Lý Văn Pìn ở thôn Bản Vai, xã Bản Qua (Bát Xát) tham gia mô hình nuôi thương phẩm cá chép lai bằng công nghệ vi sinh do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh triển khai. Sau hơn 10 tháng nuôi cá bằng phương pháp này, ông nhận thấy nhiều ưu điểm nổi bật so với nuôi theo cách thức cũ. Ông Pìn cho biết: Gia đình tôi gắn bó với nghề nuôi cá hơn 10 năm nay, chủ yếu nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Với ao nuôi gần 1 ha, mỗi năm gia đình chi phí gần 80 triệu đồng mua thức ăn cho cá. Từ khi áp dụng công nghệ vi sinh để ủ hạt đậu tương làm thức ăn cho cá, chi phí giảm khoảng 20%, nước ao nuôi cũng trong hơn, sản phẩm cá được người tiêu dùng khen là đẹp mã và ăn thơm ngon, chắc thịt hơn.
Cá chép có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, là loại cá chủ lực được nhiều hộ chọn nuôi. Nguồn thức ăn chính của loài cá này là thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, giá thức ăn công nghiệp tăng, trong khi giá cá thương phẩm lại giảm do tác động của dịch Covid-19. Vì thế, nhiều hộ muốn giảm khẩu phần thức ăn công nghiệp, chuyển dần sang sử dụng thức ăn có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu sẵn có.
Đậu tương là nguồn nguyên liệu thực vật sẵn có tại các địa phương được chọn làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá. Protein trong đậu tương chiếm từ 36% đến 56% trọng lượng khô. Tuy nhiên, ngũ cốc nói chung và đậu tương nói riêng có thành phần kháng dinh dưỡng nên để sử dụng hiệu quả nhất nguồn protein thực vật này, giúp cá dễ tiêu hóa và hấp thụ protein cần phải xử lý thông qua các loại vi khuẩn có lợi (vi khuẩn lactic).
Để chuyển giao quy trình kỹ thuật vi sinh đến nông dân, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã cung cấp men vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ủ hạt đậu tương làm thức ăn cho cá. Phương pháp ủ đậu tương bằng men vi sinh thực hiện khá đơn giản, cho đậu tương và men vi sinh vào trộn đều và ủ từ 24 đến 48 giờ, khi đậu tương nở to và có mùi thơm như mùi bỗng rượu là lúc các thành phần kháng dinh dưỡng trong đậu tương đã bị loại bỏ. Cá ăn đậu tương ủ men vi sinh sẽ hấp thụ được tối đa protein và các thành phần dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các vi khuẩn có lợi từ men vi sinh khi phát tán ra môi trường nước sẽ cung cấp cho ao nuôi có cơ chế phân giải các sản phẩm dư thừa như thức ăn, chất thải của cá, mùn bã hữu cơ, xác động thực vật; kiềm chế các vi sinh vật có hại phát triển. Do vậy, nguồn nước trong ao nuôi luôn sạch, giúp cá sinh trưởng nhanh, khống chế được các loại mầm bệnh, sản phẩm thịt cá sạch và thơm ngon hơn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có hơn 2.100 ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi thâm canh chiếm trên 40%, tổng sản lượng đạt hơn 9.800 tấn/năm. Tuy nhiên, tại các vùng chuyên canh nuôi thủy sản, người dân vẫn chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, chưa chú trọng nguồn thức ăn từ thực vật có sẵn và phương pháp phòng bệnh tự nhiên cho thủy sản. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi thủy sản sẽ khắc phục được những hạn chế này nhờ ưu điểm tạo ra vi khuẩn có lợi giúp cá tiêu hóa tối đa chất dinh dưỡng trong thức ăn; giảm và dẫn tới hạn chế tối đa sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường, ngăn ngừa triệt để việc lưu lại các dư lượng kháng sinh trên sản phẩm thủy sản, từ đó giảm đáng kể chi phí trên 1 vụ nuôi.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: Việc sử dụng chế phẩm sinh học để ủ thức ăn cho cá sẽ giúp cải thiện môi trường ao nuôi và tạo nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần tái sử dụng dinh dưỡng từ chất thải của thủy sản, nhờ đó giảm lượng thức ăn cho cá. Phương pháp nuôi này không những đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn thân thiện môi trường. Hiện nay, mô hình đã được triển khai tại huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng với quy mô hơn 10 ha và 12 hộ tham gia.
Theo đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi thủy sản tại các hộ cho thấy, sau chu kỳ nuôi 10 tháng, tỷ lệ sống của cá đạt trên 85%, trọng lượng bình quân đạt 1,8 - 2,2 kg/con, hệ số sử dụng thức ăn là 1,3. Tức là ngoài lượng thức ăn công nghiệp (30%) được sử dụng nhằm đảm bảo các yếu tố vi lượng trong nuôi cá, khoảng 70% thức ăn còn lại là đậu tương ngâm ủ với chế phẩm vi sinh do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cung ứng. Nhờ đó, người dân tiết kiệm được khoảng 20% - 30% chi phí thức ăn. Phương pháp nuôi bằng công nghệ vi sinh sẽ giúp hộ chăn nuôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo nguồn thực phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị trên 1 ha canh tác.
(Theo báo Lào Cai)