Thị trường xuất khẩu tôm vẫn tốt, tôm nuôi trúng mùa, nhiều hứa hẹn, nhưng các nhà máy chế biến thủy sản phải đối mặt nhiều khó khăn phía trước.
Từ đầu năm đến nay, ngành hàng tôm ở ĐBSCL lạc quan trước diễn tiến tích cực. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 lây lan khắp ĐBSCL khiến hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến tôm xuất khẩu hiện dần những khó khăn.
Thời điểm này, một số địa phương vào vụ thả nuôi tôm sớm, nhiều hộ đã thu hoạch tôm nuôi trúng mùa, giá bán ở mức khá, có lời. Nhưng niềm vui kèm theo nỗi lo khi dịch bệnh còn lởn vởn, diễn biến phức tạp.
Đã có một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn, gián đoạn lịch thả giống. Mấy ngày gần đây, tôm thu hoạch bán về các nhà máy bắt đầu tiêu thụ chậm, giá chững lại, thậm chí giảm vài nghìn đồng/kg.
Việc giá tôm giữ được như hiện nay còn yếu tố may mắn là nhờ tỉnh Sóc Trăng tập trung nhiều nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn và nhu cầu thị trường tiêu thụ còn tốt. Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng lo lắng: Tình hình lây lan dịch bệnh Covid-19 chưa kiểm soát được nên nhà máy chế biến thủy sản không thể nhận thêm lao động.
Trong khi riêng thực hiện đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất tuân thủ theo yêu cầu "3 tại chỗ" là sản xuất- ăn uống - nghỉ ngơi tại nhà máy chỉ có khoảng 1/3 lao động còn làm việc nên chỉ tạo ra 1/3 sản lượng so với ngày thường. Nhưng đáng mừng là hiện tôm nuôi trong dân đang thu hoạch đưa về nhà máy chưa ùn ứ, dù giá giảm song còn cầm cự được.
Dù đã theo dõi dự báo, đã lo xa từ trước nhưng ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng), cho rằng: Sau hơn một tuần chống dịch, tình hình hiện còn căng thẳng. Nhà máy trên 3.000 công nhân, nhưng thực hiện 3TC nên chỉ có 30-35% số lao động làm việc.
Lo nhất là khi các nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… thu hẹp hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tôm nguyên liệu của bà con thu hoạch.
Về mặt sản xuất, vì giảm lao động nên chạy hàng sản xuất cho kịp thời gian giao hàng các hợp đồng cũ cùng với giao dịch ngân hàng, lịch trình xuất khẩu, vận tải biển… đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện đau đầu nhất là cước phí vận tải biển tăng 5-7 lần, có tuyến hàng hải tăng gấp 10 lần.
Nếu như trong những tháng đầu năm, căn cứ tình hình thuận lợi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lạc quan với mức tăng trưởng 20 - 30%, nhưng dự kiến tháng 8 có thể âm 50% nên chỉ tiêu cả năm chắc chắn sẽ ảnh hưởng.
Theo ông Phục, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất” đã có một số ý kiến đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực nông, thủy sản. Đây là lĩnh vực sản xuất quan trọng, tạo dây chuyền sản xuất cho xã hội, duy trì hoạt động kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Trong đó, giải pháp cấp bách về kế hoạch ưu tiên tiêm phòng vacxin cho lực lượng công nhân lao động, tài xế xe vận chuyển hàng hóa… Hy vọng, chiến dịch tiêm chủng vacxin nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh để các hoạt động sản xuất của các nhà máy bình thường trở lại.
Vừa qua công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) hưởng ứng cuộc vận động, đóng góp gần 4 tỷ đồng vào quỹ phòng chống Covid-19. Trong đợt 1 phân bổ 2.000 liều vacxin Covid-19 tiêm cho công nhân viên. Hiện trong đợt 2, công ty đang tiếp tục được nhận phân bổ 1.170 liều vacxin Covid-19. |
(Theo Nông nghiệp VN)