Đẩy mạnh bán hàng nội địa, dễ hay khó?

Thị trường nội địa với 100 triệu dân đang hấp dẫn các nhà cung cấp thực phẩm ngoại nên nhiều đại gia xuất khẩu Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) thực phẩm chuyên xuất khẩu, phát triển thêm mảng kinh doanh nội địa để đa dạng hóa đầu ra giữa lúc Việt Nam đang là thị trường mới nổi của nhiều loại thực phẩm ngoại.

Sân nhà - thị trường mới

Công ty CP Pacific Foods (tên cũ Link Nature Power, chủ thương hiệu nước mắm Mami) là DN chuyên xuất khẩu nước mắm với hơn 10 năm chinh phục thị trường Mỹ và giành được vị trí số 1 về nước mắm trên Amazon chỉ sau 1 năm đưa hàng lên sàn này. Giữa tháng 6 vừa qua, nước mắm Mami bất ngờ có gian hàng trên Shopee, chính thức bán hàng ở thị trường nội địa.

Theo ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty Pacific Foods, sản phẩm nước mắm Mami kinh doanh nội địa đồng nhất với hàng xuất khẩu lâu nay của DN. "Chúng tôi đã chuẩn bị trong 2 năm để phát triển mảng thị trường nội địa, chứ không phải ngẫu hứng" - ông Linh chia sẻ.

Đẩy mạnh bán hàng nội địa dễ hay khó
Một doanh nghiệp thủy sản chuyên xuất khẩu, đang giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng trong nước

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, được mệnh danh là "vua tôm" Việt Nam nhưng người tiêu dùng Việt hiếm thấy sản phẩm của DN này trên thị trường. Tại nhiều sự kiện tổ chức trong nước, Minh Phú dù có gian hàng trưng bày sản phẩm cũng không bán lẻ và không có tờ giới thiệu bằng tiếng Việt. Vài tháng gần đây, người dùng mạng xã hội bất ngờ khi thấy các đoạn clip ngắn của sản phẩm tôm Minh Phú xuất hiện dưới dạng quảng cáo.

Lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xác nhận hiện tỉ lệ hàng bán nội địa chưa tới 1%. Nguyên nhân ngoài do dịch Covid-19 còn có vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, người mua chủ yếu quan tâm giá rẻ. "Do Minh Phú mua tôm nguyên liệu không kháng sinh, không tạp chất nên giá bán không thể thấp khiến sản phẩm gặp khó ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, DN vẫn đặt mục tiêu đẩy mạnh thị trường nội địa bằng cách truyền thông mạnh hơn nữa" - lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhìn nhận.

Theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Điều hành Công ty CP Đầu tư Organica (chuyên về thực phẩm hữu cơ), do kinh tế phát triển, sức mua của người dân tăng khiến các DN quay về thị trường nội địa.

"Thuận lợi của DN chuyên xuất khẩu là họ có tiêu chuẩn rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Tuy nhiên, họ cũng gặp khó khăn hơn các DN chuyên bán hàng nội địa là chưa quen thị trường. Xuất khẩu tức là bán sỉ, theo bao bì, nhãn mác, trọng lượng... của người mua. Còn nội địa là bán lẻ (dù thông qua các đại lý, cửa hàng) nên cần phát triển bao bì, nhãn mác, khẩu vị riêng cho phù hợp người tiêu dùng trong nước" - bà Phạm Phương Thảo phân tích.

Trái ngọt sau nhiều năm

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Long An), sản phẩm chuối Fohla của DN có 95% doanh số là xuất khẩu và 5% nội địa.

"Thị trường nội địa tuy doanh số còn nhỏ, khâu bán hàng khá vất vả do số lượng từng đơn hàng ít nhưng là thị trường không thể bỏ qua vì giúp DN đa dạng hóa đầu ra, tăng uy tín của thương hiệu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất nhập khẩu khó khăn, DN muốn chuyển hướng vào thị trường trong nước sẽ thuận lợi hơn khi đã có kênh phân phối sẵn, từ đó mới có thể giữ đà tăng trưởng" - ông Huy nhìn nhận.

Từng rất trầy trật khi phát triển thị trường nội địa nhưng bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho hay vài năm gần đây, mảng nội địa của DN tăng trưởng 30%-40%, có năm đạt mức 100%.

Cách đây 7 năm, khi bắt đầu kinh doanh nội địa, công ty không chịu nổi mặt bằng giá của thị trường, sản phẩm chất lượng cao DN chào giá 120.000 đồng/kg, trong khi trên thị trường, sản phẩm tương tự chỉ có 50.000 đồng/kg, tất nhiên chất lượng thấp hơn. Nhưng dần dần, người tiêu dùng chịu giá cao hơn để mua được sản phẩm ngon từ nguyên liệu tốt. Công ty cũng đầu tư nghiên cứu các sản phẩm chế biến sâu theo thị hiếu của người tiêu dùng Việt nên được đón nhận. "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại với khách quốc tế giảm nên công ty có thời gian chăm chút hơn cho thị trường nội địa. DN cũng phát triển thêm mảng bán online để đẩy mạnh doanh số. Hiện tỉ lệ bán nội địa của hải sản Hải Nam là 15% so với mức 5% của năm 2016.

"DN đã khuyến mãi thường xuyên hơn so với trước đây để người tiêu dùng có cơ hội dùng thử và quay lại đồng thời, tăng kinh phí marketing sẽ vào giá trị thương hiệu của DN. Muốn thành công ở thị trường nội địa không hề dễ, nhiều tiêu chuẩn còn cao hơn thị trường Nhật, châu Âu nên muốn phát triển thì cần có thời gian đầu tư" - bà Nguyễn Thị Thu Sắc đúc kết.

Khởi đầu gian nan

Trước tình hình xuất khẩu khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài và giá cước container tăng phi mã, Công ty CP Việt Long Sài Gòn đã tìm đường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT công ty, đường vào thị trường nội địa không dễ dàng. "Thị trường trong nước lớn nhưng thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu mất rất nhiều thời gian, thông thường kéo dài ít nhất 1 năm. Trong khi đó, các thủ tục này nếu đăng ký ở nước ngoài có thể chỉ mất 30 ngày. DN đã xuất khẩu thành công sản phẩm đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… cũng không được nghiễm nhiên vào siêu thị ở Việt Nam do quy chuẩn các nước khác nhau" - ông Nguyễn Xuân Châu nói.

Ông Châu cũng cho rằng đã làm thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm ở trong nước nhưng vẫn trong thời gian chờ đợi thẩm định nên hàng hóa chưa tiêu thụ được. Trong quá trình chờ đợi, nhiều hệ thống siêu thị chấp nhận cho DN bán sản phẩm tươi, không có nhãn hiệu với điều kiện cam kết an toàn chất lượng. Tuy nhiên, ông không chọn cách này bởi không cạnh tranh được về giá với những hộ kinh doanh lẻ.

"Làm ăn ở thị trường trong nước khó hơn xuất khẩu nên không ít DN không muốn bán trong nước. Ngoài chuyện đăng ký chất lượng, thương hiệu… rất phức tạp thì còn nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, chi phí để sản phẩm được lên kệ của siêu thị là khoảng 20%-25%, trong khi đó chúng tôi xuất khẩu chỉ lãi 5%-7%. Nếu muốn vào siêu thị trong nước thì đồng nghĩa với phải tăng giá bán, từ đó tạo ra nghịch lý cùng một sản phẩm nhưng bán tại Việt Nam lại có giá cao hơn bán ở Mỹ hay châu Âu" - ông Nguyễn Xuân Châu chỉ rõ.

P.Nhung

(Theo báo Người Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục