"Cửa sáng" cho xuất khẩu thủy sản bật tăng cuối năm

Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 sẽ tăng mạnh khi các nền kinh tế lớn hồi phục.
Cửa sáng cho xuất khẩu thủy sản bật tăng cuối năm
Dự báo xuất khẩu thủy sản nhiều lạc quan trong những tháng cuối năm.

Dự báo xuất khẩu thủy sản đạt 200 triệu USD/tuần

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dịch COVID-19 ở những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu (EU), Anh, Canada, Trung Quốc... đang dần được kiểm soát nhờ người dân các quốc gia này được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Điều này sẽ đưa kinh tế và các hoạt động xã hội tại những thị trường này sớm trở lại. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của những thị trường này sẽ tăng nhanh. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 sẽ tăng mạnh.

Thực tế, hiện nay một số thị trường như Canada, Colombia, Australia... cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Tại thị trường Canada, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 20,3 nghìn tấn, trị giá 121,3 triệu USD, tăng 24,6% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng trưởng với các mặt hàng như cá tra đông lạnh, cá ngừ đóng hộp và đông lạnh, cá tuyết, cá chẽm đông lạnh...

Cá tra đông lạnh tăng 19% về lượng và tăng 16,6% về trị giá so với 6 tháng năm 2020; cá ngừ đóng hộp tăng 154,6% về lượng và tăng 122,4% về trị giá, cá ngừ đông lạnh tăng 37,3% về lượng và tăng 28,5% về trị giá; cá tuyết đông lạnh tăng 190,4% về lượng và tăng 155,9% về trị giá, cá chẽm đông lạnh tăng 106,4% về lượng và tăng 20,4% về trị giá...

Tại thị trường Colombia, xuất khẩu cá tra đã có được chỗ đứng, tăng 67,4% về lượng và tăng 75,3% về trị giá (cá tra đông lạnh).

Tại thị trường Australia, chỉ tính số lượng của 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam Australia đạt 7,37 nghìn tấn với trị giá 73 triệu USD, tăng 71,6% về lượng và tăng 82,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu cá ngừ tăng 334% so với cùng kỳ năm 2020....

Nâng cao chất lượng, phát triển ngành thủy sản bền vững

Như đã nói ở trên, dịch bệnh COVID-19 đang dần được kiểm soát tốt hơn, tỉ lệ người dân trên thế giới được tiêm phòng vaccine COVID-19 nhiều hơn, các nền kinh tế hồi phục sẽ đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Theo Bộ Công Thương, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Anh... lần lượt là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong hơn 2 tuần qua. Hiện Việt Nam có 541 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản xuất khẩu tới 85 thị trường. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tuần tiếp theo sẽ dao động ở mức trên 200 triệu USD/tuần.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu cả năm, Tổng cục Thủy sản xác định sẽ tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để nâng cao chất lượng thủy sản.

"Tổng cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và kiểm tra tính xác thực của chứng thư các lô hàng xuất khẩu biên mậu, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đàm phán để khôi phục lại thị trường Saudi Arabia" - ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - cho biết, hiện nay doanh nghiệp thủy sản đang căng mình phòng chống dịch COVID-19, có doanh nghiệp tính tới phương án công nhân có thể ăn ở ngay trong phạm vi nhà máy để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch tốt, vừa đẩy mạnh sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thủy sản là một lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Để ngành thủy sản phát triển bền vững, cần giữ vững sự phát triển trên cả ba trụ cột: Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng.

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục