Bình Thuận: Nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm IUU

Bình Thuận là 1 trong 4 tỉnh vừa bị Thủ tướng phê bình vì còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay. Tỉnh này cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Dù đã triển khai nhiều biện pháp chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp (IUU), nhưng từ đầu năm đến nay Bình Thuận có 1 vụ/1 tàu cá với 7 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Ngoài ra, qua kiểm tra vẫn còn một số trường hợp khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá.

Tàu cá hoạt động trên vùng biển Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn
Tàu cá hoạt động trên vùng biển Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn

Điều này cho thấy, vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa chấp hành nghiêm quy định và khuyến cáo của cơ quan chức năng khi khai thác hải sản xa bờ.

Để tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), UBND tỉnh Bình Thuận đã có yêu cầu các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tuyên truyền đến các chủ tàu cá về phòng chống IUU. Ảnh: Duy Tuấn
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tuyên truyền đến các chủ tàu cá về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ảnh: Duy Tuấn

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng biển và Công an, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Như rà soát, củng cố lại toàn bộ danh sách, hồ sơ dữ liệu xử phạt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, Bộ đội Biên phòng các tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát trên bờ, trên biển, bãi ngang. Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, kiểm tra các phương tiện có nguy cơ vi phạm cao, trọng tâm là tàu thuyền khai thác xa bờ…

Nhờ vậy đến thời điểm này, hầu hết ngư dân trong tỉnh đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; chấp hành nghiêm quy định về hoạt động khai thác hải sản trên biển; tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong tổng số 1.961 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã đăng ký, có 1.929 tàu cá đã lắp đặt VMS.

Các tàu cá đánh bắt vùng biển xa cập cảng Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn
Các tàu cá đánh bắt vùng biển xa cập cảng Phú Quý. Ảnh: Duy Tuấn

Ngoài ra, còn các giải pháp như xử lý nghiêm các tàu cá địa phương khác không đủ các điều kiện theo quy định vẫn ra vào cảng xuất nhập bến tại địa phương. Không để các tàu cá này tham gia hoạt động khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Lập danh sách tàu cá không tham gia khai thác thủy sản, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gồm tàu cá chưa cấp/gia hạn giấy phép khai thác thủy sản, ngắt kết nối thiết bị VMS, tàu cá hoạt động thường xuyên ngoài tỉnh,... Việc đăng ký, đăng kiểm, cấp/gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS phải thực hiện khẩn trương và quyết liệt. Đồng thời, tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; có sự kiểm tra đối chiếu với dữ liệu giám sát tàu cá.

Theo Báo Lao động

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục