Những khó khăn về mặt thị trường vào thời điểm tháng Giêng (âm lịch) được ví như những “cơn sóng” đang cần các doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt qua và phải đảm bảo “sức khoẻ” tài chính. Trong đó, điều quan trọng là làm sao giải được bài toán về dòng tiền thật tốt để khi thị trường nóng lên sẽ tiếp tục cung ứng cho nhu cầu thị trường.
Trong số các doanh nghiệp (DN) ở ngành thuỷ sản thì CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) được đánh giá tích cực về việc quản lý dòng tiền. Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của FMC được cải thiện đáng kể từ năm 2016 đến nay do DN này đẩy mạnh tái cấu trúc vốn.
Phải đảm bảo “sức khoẻ” tài chính
Theo đó, phía FMC hiện không sử dụng nợ dài hạn. Còn khoản nợ ngắn hạn của công ty chủ yếu bao gồm các khoản phải trả và nợ ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động.
Hơn nữa, DN này cải thiện tỷ lệ D/E (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu) giảm về mức 0.21- mức thấp nhất trong lịch sử. So với các DN cùng ngành, giới phân tích đánh giá mức độ rủi ro sử dụng đòn bẩy của FMC tương đối thấp.
|
Thời điểm khó khăn này đang cần các DN giải được bài toán về dòng tiền một cách thật tốt, để khi thị trường nóng lên sẽ tiếp tục cung ứng cho nhu cầu thị trường.
|
Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, nếu đánh giá thị trường tiêu thụ khó khăn kéo dài thì một trong những giải pháp cần phải thực thi là cần cắt giảm chi tiêu, nêu cao ý thức tiết kiệm, rà soát các định mức tiêu hao.
Bên cạnh đó, ông Lực lưu ý các DN trong ngành là cần tập trung nguồn lực vào sản xuất chính, không đầu tư tràn lan. Nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho bằng giá mềm nhằm hạn chế kẹt vốn, kẹt kho. Chỉ mua nguyên liệu đáp ứng cho đơn hàng đang có, tránh tăng tồn kho. Thật ra bình thường các DN vẫn quan tâm các vấn đề này, nay chỉ là ý thức cao hơn.
Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), các DN trong ngành thuỷ sản phải đảm bảo “sức khỏe” tài chính vững mạnh ngay từ đầu năm 2023 để đảm bảo sản xuất không gặp khó khăn.
Như khuyến cáo của ông Hoè, các DN không nên vay nợ nhiều và không sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, để khi thị trường nóng lên tiếp tục cung ứng cho nhu cầu thị trường.
Không chỉ với ngành thuỷ sản, việc giải bài toán dòng tiền để “vượt sóng tháng Giêng” là điều trăn trở chung của các DN ở nhiều lĩnh vực khác. Hơn nữa, những nhà phân tích từ các công ty chứng khoán cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu mà DN có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định.
Điều đáng nói, áp lực lạm phát trong nước và nền lãi suất cao khó giảm mạnh, đang gây khó khăn cho dòng tiền để phục vụ sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động của các DN. Điều này có thể thấy rõ khi trong tháng 1/2023 đã có 34.994 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 6.841 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 2.038 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Còn khúc mắc cho vay ưu đãi
Trong khi đó, xét về chính sách cho vay ưu đãi đối với các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh hiện vẫn còn không ít khúc mắc. Chẳng hạn như việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP về Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Giới chuyên gia cho biết có ba khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Thứ nhất là khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thứ hai là quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi”. Thứ ba là một số hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.
Trong tháng 1/2023, khi góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, đối với vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát tại Nghị định 31 chưa thực sự rõ ràng.
Theo VCCI, nếu có quy định minh bạch, rõ ràng hơn có thể phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng. Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Thế nhưng, Điều 2.2.a của Nghị định 31 hiện đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Như băn khoăn của VCCI, quy định này vô hình chung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay.
Trở lại với bài toán dòng tiền giúp DN, hợp tác xã và các hộ kinh doanh vượt khó trong các tháng đầu của năm 2023, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có trụ vững và đi được xa hay không thì không thể thiếu dòng tiền. Vì vậy, giữa nhiều khó khăn như hiện tại buộc họ phải quản trị thật tốt dòng tiền của mình.
Ngoài ra, theo ông Dũng, dòng tiền có vào có ra. Nhưng muốn có doanh số đòi hỏi phải có đầu tư và phải tìm nguồn vốn. Xét về nguồn vốn, tốt nhất là các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã nên tuân thủ những quy định của phía các tổ chức tín dụng (dù đã bàn rất nhiều với mong muốn giảm bớt các thủ tục khắt khe) và chủ động tìm đến nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ tài trợ khác.
Bảo Ngọc (Theo VnBusiness)