Cục An toàn thực phẩm trả lời doanh nghiệp đòi bỏ giấy phép con

Chiều 30/6, nhiều đại diện các Hiệp hội như Chè, ca cao, thủy sản, sữa, Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI) đồng loạt lên tiếng về thực tế một sản phẩm khi ra đời phải chịu sự chi phối của nhiều loại giấy phép con, trái với Luật An toàn thực phẩm, Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn Kỹ thuật hiện đang được Cục An toàn thực phẩm (Cục ATTP- Bộ Y tế) áp dụng.

Tại hội thảo này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, theo Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn Kỹ thuật (QC& TC KT), sản phẩm được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng đã có thể được đưa ra thị trường và chỉ cần thông báo cho Cục ATTP về việc sản phẩm này đã được kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, Cục ATTP vẫn yêu cầu các hồ sơ và cả bản kiểm nghiệm chất lượng của sản phẩm để tiếp tục cấp một giấy phép khác là Giấy xác nhận công bố phù hợp các quy định về ATTP. Trong quá trình cấp giấy phép này, Cục ATTP còn tiếp tục gây khó dễ cho doanh nghiệp bởi hàng loạt các giấy phép con.

Ví dụ: Trong Luật QC & TCKT quy định hồ sơ tiếp nhận hợp quy gồm 6 đầu mục nhưng Cục ATTP thực hiện theo Nghị định 38 lại yêu cầu 8 đầu mục.

Ngoài 8 đầu mục, Cục ATTP còn yêu cầu thêm rất nhiều giấy tờ khác như Hợp đồng in nhãn tiếng Việt, mẫu nhãn, mẫu sản phẩm, giấy phép lưu hành tự do (với sản phẩm nhập khẩu), hợp đồng với nhà phân phối... khiến các doanh nghiệp khó khăn không biết thế nào mới là hồ sơ đủ.

Ông Đậu Anh Tuấn lấy ví dụ, một sản phẩm làm từ 12 loại nguyên liệu thì cần phải có 13 loại giấy phép.

Ngoài ra, thời gian thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp trên thực tế kéo dài so với quy định 30 ngày làm việc.

Trên thực tế, hồ sơ phải trải qua 4 cấp (chuyên viên, phó trưởng phòng, trưởng phòng, lãnh đạo Cục), mỗi cấp lại ra nhiều công văn bổ sung và cứ gần hết hạn, doanh nghiệp mới nhận được công văn. Có doanh nghiệp mất 6 tháng mới đăng ký được sản phẩm, tốn kém thời gian, chi phí, lỡ mất cơ hội kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn qua lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp đã đề xuất bãi bỏ quy định về cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay Bộ này đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT), Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Chế biến và xuất  khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lại cho rằng, trên thế giới, các nước quản lý thực phẩm thông qua kiểm soát rủi ro, bằng các hệ tiêu chuẩn để doanh nghiệp phải dựa vào đó mà thực hiện.

Cơ quan quản lý tới kiểm tra tại xưởng sản xuất. Quy trình sản xuất có thể gặp rủi ro ATTP ở khâu nào, kiểm tra những khâu đó. Hàng tháng các hệ thống và tiêu chuẩn đó có vấn đề gì rủi ro hay không, doanh nghiệp và thanh tra viên phải là người báo cáo thường xuyên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đều buôn bán có phường, có hội và quản lý Nhà nước dựa trên các Hiệp hội này. Các Hiệp hội có tiêu chuẩn và quản lý tiêu chuẩn rất tốt, doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị đào thải ngay.

Nhưng ở Việt Nam, việc đánh giá ATTP chỉ dựa trên lấy mẫu các sản phẩm ở thị trường mà không truy xuất nguồn gốc ngay từ đầu sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, phản ánh của doanh nghiệp đã được Chính phủ ghi nhận thông qua hàng loạt các cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Thủ tướng đã giao Bộ Y tế rà soát, sửa đổi theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục. Tuy nhiên, "cho đến nay, theo bản dự thảo mới nhất, 2 quy định này vẫn được giữ nguyên. Tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp chứng minh là nó không hiệu quả, không hiệu lực, có cách làm tốt hơn nhưng không được ghi nhận?" - TS. Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi.

Cục ATTP: Không phải phản ánh nào của doanh nghiệp cũng chính xác!

Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Thanh tra Cục ATTP khẳng định, nhiều nội dung, thông tin được các doanh nghiệp nêu ra chưa hoàn toàn là chính xác.

Theo đó, quản lý ATTP phải dựa trên quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong các văn bản luật do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành rồi mới tới các tiêu chuẩn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng thì bắt buộc phải tuân theo các quy chuẩn của cơ quan quản lý chứ không thể phó thác cho doanh nghiệp tự đặt ra các tiêu chuẩn cho mình và bán ra thị trường.

Sản phẩm đã kiểm nghiệm chất lượng nhưng chưa được đảm bảo các tiêu chí an toàn do Cục ATTP thẩm xét thì không thể bán cho người tiêu dùng.

Trong các quy định của Thông tư liên tịch của Bộ Y tế đều quy định rõ các chỉ tiêu kỹ thuật an toàn đối với vi sinh vật, kim loại nặng... trong nhóm sản phẩm là thực phẩm này, doanh nghiệp chỉ dựa vào mức quy định dung sai đó để công bố. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục