Hợp tác thương mại Việt - Anh đang rộng mở

Ngày 1/5/2021, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định đang được hai nước kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Anh trong thời gian tới.
Hợp tác thương mại Việt  Anh đang rộng mở
Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, khi UKVFTA có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đặc biệt, dư địa tăng trưởng hàng hóa Việt Nam trên thị trường Anh còn rất lớn bởi hiện nay hàng Việt chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu mỗi năm của Anh, trị giá gần 700 tỷ USD (năm 2019).

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss nhấn mạnh, tham gia UKVFTA, các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Anh như quần áo, vải và giày dép - vốn là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Theo cam kết của UKVFTA, nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch hoặc có hạn ngạch, ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như: Cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản...

Đáng nói, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước xuất khẩu tới Anh nhưng chưa có hiệp định thương mại với nước này. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, thị trường Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Với UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu tới Anh được giảm từ 10-20% xuống 0% sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu tới Anh.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu sang Anh sẽ tiếp tục tăng. Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cho biết: “UKVFTA không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp mà còn mang lại các lợi ích đầu tư gián tiếp cho Việt Nam. Các nhà đầu tư Anh sẽ tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam hoặc chuyển cơ sở sản xuất từ nơi khác đến Việt Nam để sản phẩm được miễn thuế khi xuất khẩu trở lại Anh”.

Tuy tiềm năng của thị trường Anh là rất lớn song để tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao của Anh. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường này, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều biện pháp như hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ cũng như có thông tin cụ thể về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Anh cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng tại Anh... Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp trong nước, việc cần làm là nâng cao chất lượng, thương hiệu và tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo bà Anh Đào Carrick, Tổng Thư ký Hội Người Việt tại Vương quốc Anh, các doanh nghiệp Việt có thể tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm qua các công ty thương mại hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng cho siêu thị; hoặc có thể bán hàng trực tiếp qua thương mại điện tử. Còn ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh gợi ý: “Các siêu thị và tập đoàn bán lẻ lớn của Anh có xu hướng đặt hàng trực tiếp của nhà sản xuất uy tín để đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm sự sáng tạo, cũng như để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho các siêu thị lớn của Anh thông qua hướng dẫn trên website của họ”.

Là doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu tới Anh, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE Việt Nam (quận Long Biên) cho biết, Anh là thị trường rất tiềm năng nhưng cũng là thị trường rất “khó tính”. Để chiếm lĩnh thị trường này, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về văn hóa, xu hướng tiêu dùng và quan trọng hơn là chứng minh năng lực sản xuất, kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các loại chứng chỉ đã được cấp cũng như hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng; đặc biệt là các yếu tố của phát triển bền vững như sự bảo đảm công bằng cho người lao động, bảo vệ môi trường…

(Theo Hà Nội mới)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục