Nhiều doanh nghiệp đang kêu trời khi Hải Phòng thu thêm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng... khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng từ ngày 1-1-2017.
Các doanh nghiệp tại khu vực Hải Phòng cho rằng chỉ có TP này áp dụng “phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng” (doanh nghiệp gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển). Trong khi Hải Phòng nói nhiều tỉnh, thành khác sẽ thu trong thời gian tới. Doanh nghiệp lo tình hình kinh tế còn khó khăn trong khi phí lên tới hàng trăm triệu đồng/tàu khiến họ sẽ thêm gian khó.
Doanh nghiệp tá hỏa
Ông Đào Văn Thanh, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Đông Tài Logistics, cho biết đã ký hợp đồng vận chuyển với khách từ cách đây 3 tháng. Đến ngày 5-1 hàng về đến cảng, mà Hải Phòng áp dụng mức phí mới sẽ khiến công ty bị thiệt hại tới hơn 300 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 12-11-2016 UBND TP Hải Phòng đã lập đề án này và chỉ sau 22 ngày, đề án được đưa ra HĐND TP thông qua việc thu thêm phí sử dụng công trình, hạ tầng cảng biển. Cụ thể, mức phí áp dụng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan (với hàng khô) lên tới 2,2 triệu đồng/container loại 20 feet và 4,4 triệu đồng/container loại 40 feet. Tương tự, với hàng đông lạnh, mức phí từ 2,3 - 4,8 triệu đồng/container...
Riêng đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu tại Hải Phòng, mức phí thu là 250.000 đồng/container loại 20 feet, 500.000 đồng/container loại 40 feet và thu 20.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, rời... Vì Q.Hải An là nơi có nhiều cảng biển nên UBND TP Hải Phòng cũng giao cho quận này triển khai lập 13 điểm thu phí với tổng số cán bộ, nhân viên gần 100 người trực tiếp triển khai thu phí.
Khi áp dụng loại phí mới này, các doanh nghiệp muốn làm thủ tục qua các cửa khẩu cảng biển tại Hải Phòng sẽ phải đến các điểm thu phí để nhận tờ khai, lập tờ khai và nộp tiền. Sau đó có biên lai thu phí doanh nghiệp mới làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Theo tính toán của UBND TP Hải Phòng, nếu tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng năm 2017 ước bằng năm 2016 là 80 triệu tấn thì ngân sách của TP sẽ có thêm 1.500 tỉ đồng trong năm 2017 từ việc thu loại phí mới này.
Đại diện Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu VnCus than doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn với khoản phí mới này do trong thời gian ngắn phải mất thêm hàng chục triệu đồng, ước tính mỗi tháng lại mất thêm hàng trăm triệu đồng để được thông quan hàng hóa.
Nên giảm mức phí và có lộ trình
Ngày 4-1, ông Ngô Trung Hiếu - phó giám đốc phụ trách cảng Tân Vũ, Hải Phòng - bày tỏ lo ngại khi loại phí mới này được triển khai không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của chính các doanh nghiệp cảng tại TP.
Ông Hiếu cho rằng khoản phí mới này được áp dụng khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chịu mức chi phí tăng thêm từ 30-50%. Như vậy là quá cao, các chủ hàng sẽ buộc phải tính toán lựa chọn các cảng biển ở tỉnh, thành lân cận chưa áp dụng loại phí mới này. Khi điều này xảy ra, ông Hiếu lo doanh nghiệp cảng sẽ mất khách hàng.
Về lâu dài, việc tăng phí sẽ khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đẩy chi phí vào giá thành sản phẩm dẫn tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp có thể bị giảm và người tiêu dùng phải gánh giá tăng.
Ông Hiếu nêu tại các cuộc họp lấy ý kiến và cho đến hiện nay, phần lớn doanh nghiệp cảng đều không đồng tình việc triển khai loại phí mới mà không theo một lộ trình và mức giá thích hợp. Vì vậy, ông Hiếu đề nghị trong bối cảnh các doanh nghiệp còn khó khăn, Hải Phòng nên xem xét lại việc thu phí mới cho hợp lý.
Ông Cao Văn Minh, đại diện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tuấn Chinh, nêu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, gia công hàng hóa khi nhập khẩu đã phải nộp phí, do vậy khi hàng hóa xuất khẩu đi thì cần phải miễn, giảm các loại thuế, phí.
Đặc biệt, các mặt hàng nông sản thì TP cần phải khuyến khích xuất khẩu chứ vẫn áp dụng việc thu phí mới thì doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này có thể đứng trước nguy cơ phá sản.
Đại diện của Công ty Ford Việt Nam cũng lo ngại việc công bố thông tin và tiến hành thu phí quá sát nhau khiến các công ty không kịp điều chỉnh kế hoạch phân bổ chi phí cho hoạt động này.
Lãnh đạo Tổng công ty CP Cảng Hải Phòng bày tỏ quan ngại việc thu phí mới khiến thủ tục thông quan thêm rườm rà, tốn thời gian, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa trong bối cảnh tuyến đường đến khu vực cảng Đình Vũ thường xuyên xảy ra ách tắc như hiện nay.
“Mức phí nộp 20.000 đồng/tấn hàng rời là khá cao, sẽ có nhiều doanh nghiệp cân nhắc việc chuyển sang một số cảng ở địa phương lân cận như cảng Cái Lân, Quảng Ninh” - một lãnh đạo Tổng công ty CP Cảng Hải Phòng lo lắng.
Hải Phòng sẽ xem lại?
Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hôm 31-12-2016, ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho rằng việc triển khai loại phí mới này góp phần quan trọng vào ngân sách TP để có thể đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng tại khu vực cửa khẩu cảng Hải Phòng.
Theo ông Tùng, Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai việc thu phí hạ tầng cảng biển nên khó tránh khỏi những vướng mắc, tuy nhiên ông Tùng mong muốn các doanh nghiệp... chia sẻ.
“Thời gian tới UBND TP sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, nếu có bất cập trong quá trình thực hiện thu phí thì sẽ nghiên cứu sửa đổi. Trước mắt, Sở Tài chính khẩn trương hoàn thành việc xây dựng phần mềm thu phí có kết nối với cơ quan hải quan để các doanh nghiệp có thể nộp phí điện tử” - ông Tùng nói.
Trước quan ngại về việc sẽ ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh của các cảng biển, ông Tùng cho rằng phí hạ tầng cảng biển đã được quy định trong Luật phí và lệ phí, không trùng lặp với các loại phí khác mà doanh nghiệp đang thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương lân cận cũng đã và đang tiến hành các thủ tục để thực hiện thu loại phí này, dự kiến sẽ triển khai trong 6 tháng đầu năm 2017.
Nên xem xét lại
“Doanh nghiệp người ta vào cảng thì họ đã phải đóng phí cảng, vào luồng đóng phí luồng, đi trên đường bộ đóng phí đường bộ, phí bốc xếp, dỡ hàng rồi, không có cái gì là không thu cả. Thành phố nói thu phí mới này để nâng cấp hạ tầng, tôi thấy cũng bất hợp lý bởi doanh nghiệp người ta đã đóng thuế rồi” - ông Ngô Trung Hiếu.
Bà Rịa - Vũng Tàu: giảm phí để khuyến khích tàu vào cảng
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-1, ông Lương Anh Tuấn, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết địa phương này không thu các khoản phí của doanh nghiệp, thậm chí còn đề nghị Bộ Tài chính giảm một số loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, theo đề nghị của tỉnh này, Bộ Tài chính đã đồng ý giảm phí hàng hải cho tàu trên 50.000 tấn khi ra vào các cảng ở Cái Mép - Thị Vải, hiện mức phí hàng hải tại cảng này thấp hơn so với các cảng khác trên cả nước.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tiếp tục đề nghị giảm phí này cho tàu dưới 50.000 tấn ra vào các cảng trên địa bàn. Trước đó, vào năm 2014, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã bỏ khoản phí vào cảng khi xe chở hàng chạy qua đường trong các khu công nghiệp trên địa bàn, đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi khác về thông quan, chuyển cảng để khuyến khích doanh nghiệp vào cảng.
TP.HCM: không tăng phí để doanh nghiệp bớt khó
Ông Cao Thanh Bình, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết đến thời điểm này HĐND TP chưa nghe thông tin và cũng chưa nhận được bất cứ tờ trình nào của UBND TP.HCM liên quan đến việc thu phí hạ tầng cảng biển.
Theo ông Bình, mọi tờ trình liên quan đến ngân sách, phí, lệ phí của TP theo quy trình sẽ được chuyển đến Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP xem xét, thẩm tra, sau đó mới đưa ra HĐND TP xem xét, quyết định. Nhận định thêm về vấn đề này, ông Bình cho rằng trong tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, xăng dầu lại có chiều hướng tăng giá thì việc địa phương thu thêm phí sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
(Theo Báo Tuổi trẻ)