Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) khi dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn xây dựng theo các tiếp cận cũ, bộc lộ nhiều bất cập và phi thực tế.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Ảnh: BĐT
Từng tham gia soạn thảo luật về doanh nghiệp tư nhân, Viện trưởng CIEM vẫn nhớ câu chuyện về thủ tục hành chính phát sinh từ một nội dung tưởng chừng hết sức bình thường trong luật.
Cụ thể, ông Cung kể, ban soạn thảo có đưa ra điều kiện thành lập doanh nghiệp là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị tâm thần, không bị truy cứu hình sự thì được thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều luật ấy khi đi vào hiệu lực, người dân muốn thành lập doanh nghiệp phải xin giấy xác nhận đã đủ 18 tuổi ở chính quyền địa phương, phải ra công an xin giấy xác nhận không bị truy cứu hình sự, thậm chí là phải đi khám ở bệnh viện để nhận giấy xác nhận không bị tâm thần.
“Tôi tham gia soạn thảo hoàn toàn vô tư nhưng khi triển khai thực hiện lại thành ra như vậy. Đây là bài học xương máu khi soạn thảo luật, vô cùng tai hại nếu không lường hết được những thủ tục hành chính có thể phát sinh”, ông Cung đúc kết.
Những sai lầm ấy đang lặp lại ở dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ví dụ, khoản 4, điều 28 của dự thảo quy định: “Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm III hoặc cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương dự án nhóm III phải bảo đảm đơn giản hơn dự án đầu tư, cơ sở nhóm II…”
Tuy nhiên, quy định về việc phân biệt rõ từng nhóm dự án cũng như yếu tố “đơn giản hơn” không hề được làm rõ. Theo các chuyên gia CIEM, điều này là rủi ro chính sách rất lớn cho doanh nghiệp, khi hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cơ quan quản lý “đặt tùy ý” các quy định không được làm rõ.
Cùng với đó, dự thảo nghị định cũng thực hiện cách tiếp cận cũ là tiền kiểm thay vì hậu kiểm, không quy định minh bạch về thời gian thẩm định giấy phép môi trường cũng như chưa quy định về cấp phép trực tuyến.
Viện trưởng CIEM nhận xét, khi làm luật, cần phải cực kỳ rõ ràng, cụ thể, người viết luật phải hình dung ra những thủ tục hành chính có thể phát sinh nếu các quy định chưa được làm rõ để “ngăn chặn sự tùy tiện”. Tuy nhiên, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường dường như đang đi trái với chủ trương cải cách hành chính, chủ trương chuyển đổi số của Nhà nước.
Một điểm bất cập khác của dự thảo nghị định, gây ra bức xúc rất lớn trong dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp là vấn đề sử dụng khoản tiền đóng góp cho quỹ bảo vệ môi trường.
“Đây không phải là thuế, không phải là phí, vậy là tiền của ai? Nếu là tiền đóng góp của doanh nghiệp thì phải để doanh nghiệp chi phối việc sử dụng, chứ đây không phải là tiền của Bộ Tài nguyên và môi trường”, ông Cung đặt vấn đề.
Với cách quản lý tài chính bất cập, nếu không được làm rõ, nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ chỉ có tác dụng làm tăng chi phí, cuối cùng làm tăng giá hàng hóa, còn không tạo được ảnh hưởng tích cực đến môi trường.
Nói về mức phí đóng góp cho hoạt động thu gom, tái chế bắt buộc (công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR), TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng chỉ ra một số điều bất hợp lý.
Cụ thể, dự thảo quy định mức đóng góp là 1% tổng giá trị lô hàng bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tã lót, bìm, băng vệ sinh… hay 80 đồng trên mỗi bao thuốc lá 20 điếu. Ông Tùng ước tính, mức phí thu được có thể lên đến 10 nghìn tỷ đồng nếu được áp dụng, tức là lớn gấp 10 lần quy mô quỹ bảo vệ môi trường.
Theo nguyên lãnh đạo Cục Môi trường, việc đặt ra mức phí quá cao, bao gồm cả những mặt hàng thiết yếu như tã, bỉm, băng vệ sinh, dường như dự thảo nghị định “đang hướng đến mục tiêu thu càng nhiều càng tốt, thay vì bảo vệ môi trường”.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thu gom rác thải vẫn chưa được xây dựng tốt, hiện tượng các làng tái chế tự phát, người thu gom tự phát vẫn chưa được xử lý triệt để. Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách cộng tiền phí vào chi phí sản xuất.
Mặt khác, mức đóng góp tài chính cho công cụ EPR chưa có sự phân biệt giữa nhóm bao bì phân hủy sinh học với bao bì khó phân hủy; giữa sản phẩm cũ có giá trị với sản phẩm không có giá trị, không ai muốn thu gom. Những điều này được nhận xét là không tạo ra động lực để doanh nghiệp thay đổi theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Một số quy định khác có thể tạo ra rủi ro chính sách cho doanh nghiệp, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia có thể kể đến như quy định vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải với các dự án lớn từ 3 – 6 tháng là thiếu cơ sở khoa học; quy định về khoảng cách an toàn về môi trường chưa tính đến trường hợp dân cư chuyển đến sau khi dự án được xây dựng…
Trước những vấn đề trên, các chuyên gia CIEM kiến nghị, nghị định cần quy định đúng theo phạm vi luật cho phép, tránh đặt ra những quy định vượt quá luật. Đồng thời, cần phải tiếp tục sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.
Đối với công cụ EPR, cần có cơ chế phân biệt giữa các loại nguyên vật liệu, tuyệt đối không đánh đồng tất cả để thu phí.
Viện trưởng CIEM đề xuất, có thể cần phải xây dựng lại nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường thay vì tiếp tục sửa đổi. “Với nghị định này, nếu ban hành chỉ tăng thêm chi phí xã hội, tăng thêm quyền lực cho cơ quan Nhà nước, đó không phải là điều chúng ta cần”, ông Cung nhấn mạnh.
(Theo theleader)