(vasep.com.vn) Tháng 3/2020, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 41,6 triệu USD, giảm 20,3% so với tháng 3/2019. Quý 1 năm nay, XK mực, bạch tuộc đạt 107,4 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tác động của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu và khó khăn về nguyên liệu sản xuất khiến XK mực, bạch tuộc của Việt Nam trong quý 1 năm nay tiếp tục đà giảm từ năm 2019.
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc XK của Việt Nam, mực chiếm 53,2%, bạch tuộc chiếm 46,8%.
Hàn Quốc vẫn là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 41% tổng giá trị XK mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường. XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc giảm 27,4% trong tháng 3/2020 và giảm 27,6% trong quý 1/2020 đạt 44,5 triệu USD.
Nhật Bản đứng thứ 2 về NK mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27%. XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản trong quý đầu năm nay đạt 29 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.
XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU trong quý đầu năm nay đạt 8,7 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2019. Italy, Tây Ban Nha và Đức là thị trường NK nhiều nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK mực, bạch tuộc sang Tây Ban Nha tăng 29% trong khi XK sang 2 thị trường còn lại Italy và Đức giảm lần lượt 55% và 49% so với cùng kỳ năm 2019.
Quý 1 năm nay, XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Israel chỉ đạt 1,3 triệu USD nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 283%.
Trong bối cảnh dịch Covid vẫn chưa được khống chế trên toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc thời gian tới vẫn giảm do các nhà hàng đóng cửa bởi các biện pháp phòng dịch, hạn chế virus lây lan như hạn chế người dân ra ngoài, hạn chế đi lại và các hoạt động vận chuyển hàng hóa. Khách sạn ngừng hoạt động và trường học đóng cửa, khách du lịch giảm cũng sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc.
Dịch bệnh cũng khiến sụt giảm tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân thấp hơn, người dân sẽ chỉ tiêu thụ các sản phẩm giá phải chăng, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có giá cao hơn như các sản phẩm mực, bạch tuộc cao cấp. Các nhà cung cấp có thể tập trung bán cho các kênh online, ưu tiên các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp, chế biến sâu có hạn sử dụng dài, giảm các sản phẩm tươi sống do người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.