Thương mại nhuyễn thế hai mảnh vỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19

(vasep.com.vn) Việc đóng cửa các nhà hàng trên toàn châu Âu do dịch Covid-19 đã làm mất nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ tươi sống. Giá sản phẩm thấp, nhiều công ty nuôi trồng thủy sản đóng cửa chờ sự hỗ trợ của Chính phủ.

Vẹm

Mặc dù các nhà hàng ở Pháp đã mở cửa vào tháng 6/2020, các biện pháp giãn cách xã hội và khách hàng ít hơn đã khiến doanh thu giảm đáng kể. Do đó, nhu cầu đối với lĩnh vực dịch vụ ăn uống cũng giảm xuống. Vẹm là một trong những sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những hạn chế này.

Thương mại vẹm trong 3 tháng đầu năm 2020 sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Pháp NK ít hơn gần 4.000 tấn trong giai đoạn này, giảm 22% so với năm 2019. Tuy nhiên, Pháp vẫn là nước NK vẹm lớn nhất trên thế giới. Trong khi đó, Italy ghi nhận mức giảm 7%. Cả hai quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm. Mỹ là nước duy nhất tăng NK trong quý 1/2020. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra trong quý 2 của năm, do các đơn đặt hàng ở nhiều bang của Mỹ bị phong tỏa do tình dịch dịch COVID-19 ở Mỹ vẫn phức tạp.

Nghêu

Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa ở Italy đã tác động đến nghề khai thác nghêu. Ví dụ, những người đánh bắt nghêu ở khu vực Venice, một trong những khu vực sản xuất nghêu chính của cả nước, sẽ nhận được khoản bồi thường cho các biện pháp phong tỏa là 800 triệu EUR. Mặt khác, nguồn lợi nghêu phát triển nhanh chóng trong thời kỳ này. Giá nghêu hạ khoảng 20% ​​so với năm 2019.

Hoạt động thương mại nghêu chủ yếu diễn ra ở châu Á, với Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường chính, trong khi Trung Quốc là nhà XK chính. Trong khi đó, nghêu sản xuất ở châu Âu chủ yếu tiêu thụ nội địa trực tiếp. Hoạt động thương mại nghêu có phần chững lại trong quý đầu tiên của năm 2020, nhưng giảm ít hơn so với các loài hai mảnh vỏ khác. Tổng giao dịch nghêu thế giới giảm 10%, trong đó NK của Nhật Bản và Hàn Quốc giảm nhẹ. Do hai quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát sự bùng phát dịch COVID-19, nên hoạt động thương mại nghêu phục hồi trong quý II.

Sò điệp

Thương mại sò điệp cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu sò điệp thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, từng là quốc gia NK chính, đã giảm 45% NK trong giai đoạn này. NK sò điệp vào Mỹ ổn định, nước này đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà NK sò điệp chính trong năm 2020. Quý II/2019 Trung Quốc phục hồi sau khủng hoảng do dịch COVID-19, trong khi Mỹ bước vào thời kỳ giãn cách xã hội từ tháng 4/2020. Tại Peru, sản xuất và XK sò điệp phục hồi tốt, XK giảm 15% trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. ​​XK giảm thêm trong quý II/2020, vì Peru là một trong những nước Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trong thời gian này.

Hàu

Doanh số bán hàu rất thấp do người tiêu dùng ít quan tâm đến các mặt hàng thực phẩm xa xỉ. Điều này tác động tiêu cực đến những người nuôi hàu ở Pháp, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề khi doanh số bán hàng sụt giảm sau vụ việc virus noro trong cuối năm 2019. Hàu là sản phẩm tiêu thụ nhiều trong các dịp lễ hội, tuy nhiên, người tiêu dùng ít có ý định mua những sản phẩm xa xỉ do kinh tế bấp bênh. Khách du lịch ở các khu vực ven biển chủ yếu đến từ khu vực nội địa, như ở Pháp, người tiêu dùng từ Paris và các thành phố lớn khác thích thưởng thức hàu trên bờ biển. Nhìn chung, những tháng mùa hè không phải là thời điểm chính để tiêu thụ hàu sống.

Dự báo

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Nam Âu dự kiến ​​sẽ giảm hơn 10% vào năm 2020 và nhu cầu đối với thủy sản hai mảnh vỏ sẽ tiếp tục giảm. Mùa du lịch trong những tháng mùa hè không diễn ra như bình thường, dẫn đến lượng tiêu thụ thủy sản hai mảnh vỏ rất thấp, có thể chỉ từ 10 đến 20% mức tiêu thụ thông thường trong những tháng hè. Thời điểm đỉnh dịch COVID-19 dường như đã kết thúc, ít nhất là ở châu Âu, vì vậy có khả năng nhu cầu đối với thủy sản hai mảnh vỏ sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2020.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục