Nhu cầu cua tuyết Canada ở mức cao kỷ lục

(vasep.com.vn) Các nhà quản lý hàng đầu của các công ty Royal Greenland và Ocean Choice International (OCI) cho biết nhu cầu cua tuyết Canada trong năm 2017 trên thị trường vẫn rất mạnh mẽ, mặc dù giá sản phẩm này ở mức cao do nguồn cung giảm từ khu vực Newfoundland và Labrador.

Trong tháng 4/2017, Cục Thuỷ sản và Đại dương Canada (DFO) đã cắt giảm 22% trong tổng sản lượng được phép khai thác (TAC) cho khu vực Newfoundland và Labrador xuống còn 35.419 tấn - khiến giá tăng kỷ lục lên mức cao hơn 8 USD/pao (đối với sản phẩm cua cỡ 5-8 oz). Vụ khai thác cua tuyết ở Newfoundland bắt đầu vào ngày 6/4/2017 và kết thúc vào tháng 8/2017.

Theo Martin Sullivan, Giám đốc điều hành của OCI, một công ty chế biến và khai thác thủy sản, giá cua tuyết tăng đã bù đắp phần nào sản lượng giảm trong năm nay.

Thu nhập của ngư dân tăng 30% so với năm ngoái, mặc dù hạn ngạch giảm 20%.

Blaine Sullivan, Giám đốc điều hành của OCI cho biết, nhu cầu cua tuyết tăng mạnh ở Mỹ và Nhật Bản.

Doanh thu cua tuyết của công ty đang trên đà tăng trưởng tốt. Trong tương lai, sản phẩm này dự kiến sẽ có mức giá cao hơn nữa.

Hiện tại, thị trường vẫn ở mức ổn định, với mức giá cao. Vào mùa đông nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh hơn, đặc biệt trong mùa Giáng sinh sắp tới, nhu cầu thị trường sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, mức giá trong năm 2017 được coi là nằm trong mức cao kỷ lục.

Theo các nguồn tin trong ngành, mức giá đã lên đến đỉnh điểm sau vụ khai thác cua tuyết Alaska, sau đó giảm xuống mức 7 USD/pao (cho cỡ 5-8 oz) nhờ sản lượng lớn từ Newfoundland, sau đó lại tăng lên trên 8 USD/pao.

Hiện tại, giá sản phẩm ổn định ở mức khoảng 8 USD/pao. Nguồn cung sẵn có cho thị trường đang giảm dần với khối lượng thấp, vì vậy mức giá trung bình sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, Blaine cho biết thêm so với tổng khối lượng khai thác ban đầu thì sự gia tăng này chỉ chiếm phần nhỏ, do hầu hết các hợp đồng lớn với các nhà NK Nhật Bản và Mỹ đã được thực hiện vào đầu năm.

Chỉ một phần nhỏ trong tổng khối lượng khai thác ban đầu có giá tăng lên. Nguyên nhân là do một số công ty giữ lại một phần rồi sau đó đẩy giá lên. Hầu hết các hợp đồng thương mại lớn được ký kết vào đầu năm, trong đó giao dịch với các nhà NK Nhật Bản và Mỹ chiếm phần lớn. Và, hầu hết các hợp đồng được thực hiện trong khoảng tháng 4-7/2017.

Hạn ngạch khai thác giảm sẽ đẩy giá tăng.

Dự kiến nguồn cung cua tuyết Canada sẽ tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, DFO đã tăng gấp đôi hạn ngạch cho khu vực Vịnh St. Lawrence lên đến 43.822 tấn. Vụ khai thác bắt đầu vào giữa tháng 4/2017, với khu vực 12 - ngư trường khai thác chính, kết thúc vào ngày 20/7/2017.

Dự kiến tổng hạn ngạch được phép khai thác tại Vịnh sẽ vẫn khả quan trong năm tới.

Theo một thông báo từ Ken Salzinger - chủ sở hữu của công ty môi giới KenMar, DFO hiện đang tiến hành khảo sát trữ lượng cua ở Newfoundland và Labrador, những khu vực đóng góp gần 39% tổng giá trị khai thác năm 2016.

Ken Salzinger quan ngại rằng hạn ngạch khai thác tại Vịnh trong năm nay gia tăng, nhưng liệu có tiếp tục tăng trong năm 2018. Hơn nữa, với giá đạt mức cao kỷ lục, phản ứng của thị trường sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, Salzinger ít lạc quan về thị trường Mỹ với mức giá tăng hơn nữa. Tuy nhiên, có thể các nguồn cung từ Na Uy không có khả năng đáp ứng được nhu cầu đang gia tăng, nếu nguồn cung của Canada tiếp tục giảm. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm sản phẩm thay thế đối với cua tuyết, đặc biệt là trong các nhà hàng tự chọn và sòng bạc.

Theo thông tin trước đó, Na Uy có khả năng không thể hoàn thành hạn ngạch trong năm 2017 là 4.000 tấn.

Sản lượng cua tuyết Alaska dự tính cũng giảm. Vào đầu tháng 10/2017, cơ quan Fish and Game của tiểu bang Alaska (ADF&G) đã công bố hạn ngạch của khu vực biển Bering là 18.961 triệu pao, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong vụ khai thác 2016/2017, hạn ngạch đã bị cắt giảm 50% xuống còn 21,57 triệu pao. Vụ khai thác bắt đầu vào ngày 15/10/2017 và kéo dài đến ngày 31/5/2018.

Các thị trường chính đối với cua tuyết hiện nay là Bắc Mỹ và Châu Á, chủ yếu là Nhật Bản.

Tuy nhiên, Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA) có thể làm thay đổi điều này. Theo CETA, thuế quan đối với cua tuyết từ Canada NK vào EU đã giảm xuống còn 0%, có hiệu lực từ ngày 21/9/2017.

Giám đốc điều hành của OCI hy vọng mức thuế bằng 0 sẽ đẩy mạnh thương mại của Canada với thị trường thứ ba, ngay cả ở mức giá cao.

Theo ông, có hai thị trường là Nhật Bản và Mỹ, cua tuyết là sản phẩm khá phổ biến đối với người dân châu Âu, đặc biệt ở Tây Ban Nha và Nam Âu.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục