(vasep.com.vn) Tiêu thụ bạch tuộc đã tăng trưởng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Mỹ. Trong năm 2017, nhu cầu tiêu thụ bạch tuộc tăng vọt, sản phẩm này xuất hiện trong các nhà hàng hải sản cao cấp của Bắc Mỹ và đạt mức giá cao kỷ lục. Năm 2018, giá bạch tuộc giảm và tiếp tục chứng kiến mức giảm mạnh trong năm 2019.
Mặc dù hầu hết các nhà chế biến bạch tuộc có trụ sở tại Tây Ban Nha với sản phẩm được bán dưới dạng "bạch tuộc Tây Ban Nha", nhưng phần lớn nguyên liệu đến từ các quốc gia khác như Maroc, Mauritania, Mexico, Senegal và Indonesia. Trong khi sản phẩm này phổ biến và mang một sức hấp dẫn truyền thống, thì nghề khai thác bạch tuộc được đánh giá là một nghề khai thác không mang tính bền vững nhất do thiếu các nghiên cứu và quản lý nghề khai thác thích hợp.
Theo Tổ chức nghề cá bền vững (SFP), nghề khai thác bạch tuộc trên thế giới có rất nhiều cơ hội để cải thiện tính bền vững, tuy nhiên các Dự án cải thiện nghề cá cấp quốc gia (FIPs) có thể mang lại những tác động lớn. Theo SFP, chỉ khoảng 0,01% sản phẩm bạch tuộc được khai thác từ nghề cá được coi là bền vững hoặc nghề cá cải tiến.
Tại các sự kiện ngành thủy sản gần đây, một số nhà NK lớn nhất thế giới đã cùng nhau cam kết tài trợ cho các FIPs tại các nước đang phát triển với mục tiêu được thiết kế cho phép các quốc gia này tiếp cận thị trường bán lẻ với sự đảm bảo tính bền vững.
Tiến độ mới nhất của các dự án phát triển bền vững ở các quốc gia được tài trợ như sau:
Mexico
FIP Mexico là dự án duy nhất hiện được công bố trên trang web Tiến bộ Nghề cá của SFP, trong khi các dự án ở Mauritania và Maroc đang trong giai đoạn sơ bộ và chờ để công bố các tài liệu.
Netuno, một thành viên sáng lập của nhóm thực hiện dự án ở Mexico, có mối quan tâm đặc biệt đến nghề khai thác bạch tuộc ở Yucatan, nơi chiếm 70% sản lượng bạch tuộc đánh bắt ở Mexico. Netuno đã thực hiện một đánh giá ban đầu cho nghề khai thác trong khoảng thời gian từ năm 2017-2018 với kết quả tốt bất ngờ.
Các vấn đề không tuân thủ pháp luật bao gồm việc đánh bắt không mong muốn một loài cua, việc thiếu đánh giá trữ lượng cả bạch tuộc maya và bạch tuộc vulgaris và một bản đánh giá của một tổ chức độc lập.
Trong năm 2019, tại Boston, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết và dự án đã được công bố trong năm nay trên trang web Tiến bộ Nghề cá. Đây là dự án tiên tiến nhất, với kế hoạch hoạt động trong 2 năm và khả năng sẽ đạt được chứng nhận MSC trong vòng 3 năm.
Mauritania
Dự án ở quốc gia này cũng đang trong giai đoạn sơ bộ và không nằm trong danh sách được công bố trên trang web Tiến bộ Nghề cá.
Năm 2017, Chính quyền Mauritania đã xây dựng một kế hoạch quốc gia nhưng chưa có tầm nhìn và yêu cầu sự hợp tác của SFP. Kết quả đánh giá trữ lượng bước đầu chưa được công bố. SFP mong muốn thúc đẩy một FIP mạnh mẽ ở quốc gia này.
Ma-rốc
Quốc gia này gần đây đã hoàn thành một FIP cho cá trích, dự án sẽ được đánh giá MSC toàn diện vào cuối năm nay. Dự án cho bạch tuộc được cho là phức tạp hơn, do đó các bên liên quan đã quyết định chờ đợi quá trình đánh giá MSC kết thúc trước khi giải quyết vấn đề khác.
Dự án cho bạch tuộc đang trong giai đoạn tiền FIP, đang trong quá trình xem xét những lợi ích bên ngoài Maroc và thị trường trong nước. Kế hoạch hành động dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Sự tham gia của Chính phủ Maroc là cần thiết để FIP ra mắt.
Ở những địa điểm khác, nghề khai thác bạch tuộc phía Tây Australia đã trở thành nơi đầu tiên ở Nam bán cầu được chứng nhận theo tiêu chuẩn MSC để khai thác bạch tuộc bền vững.
Những vấn đề và thách thức thường gặp
Vấn đề chung chính của những quốc gia này là đội tàu khai thác thủ công. Ở Maroc có hơn 13.000 tàu cỡ nhỏ, không được đăng ký cũng không được cấp phép.
Sự hỗ trợ của Chính Phủ đối với nghề cá và đội tàu là rất cần thiết. Đây cũng là mấu chốt để thu hút cam kết của các quốc gia NK như Nhật Bản và Hàn Quốc, những nhà NK bạch tuộc lớn. Điều này cũng góp phần thúc đẩy nghề khai thác bạch tuộc bền vững. Hiện tại, ngoại trừ nghề khai thác bạch tuộc ở vùng Asturias của Tây Ban Nha, được chứng nhận bởi Hội đồng quản lý hàng hải (MSC) và chiếm khoảng 30 tấn/tháng, không có sản phẩm khai thác nào được chứng nhận khai thác bền vững. Mặc dù thực tế là nhiều công ty ở châu Âu và Bắc Mỹ yêu cầu ngành bạch tuộc phải có chứng nhận nguyên liệu với nguồn gốc xuất xứ, có trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu phân phối lớn. Năm 2018, các bên liên quan đã đóng góp 5.000 USD/quỹ để tài trợ cho các FIPs ở 3 quốc gia có nguồn gốc bạch tuộc quan trọng nhất là Mauritania, Maroc và Mexico.
Thông tin cải thiện nghề khai thác bạch tuộc, ban đầu được xây dựng bởi 4 công ty, hiện đã có sự tham gia từ 14 công ty: Arista Industries, Fortune International, Mitsui Foods/D&E/MarGalicia, Netuno USA, Panapesca USA, Santa Monica Seafood, Discefa, Ditusa, Foncasal, Pescado Playa, Pesfasa, Profand Group, SeaDelight, Union Martin and Viveros Merimar. Đối với bạch tuộc cỡ lớn (big octupus) và bạch tuộc thông thường (vulgaris octupus), 3 quốc gia (Mauritania, Maroc và Mexico) chiếm khoảng 60% sản lượng của thế giới.