Mỹ: Nhập khẩu thịt ghẹ chủ yếu từ Indonesia

(vasep.com.vn) Theo ông Brice Phillips, Giám đốc bán hàng của cửa hàng ở Phillips Food, Maryland, Chủ tịch Hội đồng cua/ghẹ của Hiệp hội Thủy sản quốc gia, mức thu nhập khả dụng (Disposable personal incom - DPI) là một chỉ số đặc biệt quan trọng để biểu thị hiện trạng của thị trường NK ghẹ xanh, ghẹ đỏ và cua xanh của Mỹ.

Quý IV năm 2018 DPI đạt mức cao kỷ lục 15,8 nghìn tỷ USD, tăng 45% so với mức 10,9 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2008 - thời điểm đầu của cuộc suy thoái lớn của Mỹ.

Do đó, theo ông Phillips, không có gì ngạc nhiên khi người dùng Mỹ vẫn mua những mặt hàng hải sản xa xỉ nhất, ngay cả khi giá liên tục leo thang. Cua, ghẹ là một trong những mặt hàng hải sản đắt tiền nhất.

Số liệu từ Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia cho thấy, năm 2018 Mỹ đã NK 28.645 tấn cua, ghẹ, Giá trị NK là 723,8 triệu USD, tăng 8,8% so với 26.334 tấn và tăng 23,3% so với số 586,9 triệu USD NK năm 2017.

Giá ghẹ xanh tăng cao vào cuối tháng 7/2018 với mức bán buôn trung bình 29,83 USD/pao thịt thân ghẹ từ Indonesia, sản phẩm phổ biến được sử dụng trong tham khảo giá. Giá đã giảm đáng kể kể từ thời điểm đó. Tuy nhiên, gần đây giá thịt ghẹ xanh của châu Á dao động từ 23,80 USD đến 25,05 USD/pao.

Theo giải thích của một số nguồn tin khác trong ngành cua/ghẹ, thị trường đã điều chỉnh theo một cuộc mua bán sôi động diễn ra vào mùa thu. Nhiều nhà NK và bán buôn chứa nhiều hàng tồn kho dư thừa, sau đó họ phải bán giảm giá.

Sau đó vào mùa xuân, nhu cầu tiêu thụ cao hơn, đặc biệt là ở thủ phủ tiêu thụ thịt ghẹ ở khu vực Trung - Đại Tây Dương của Mỹ, giá ghẹ có thể tăng trở lại.

Nguồn cung từ Indonesia ổn định trong 3 năm

Năm 2018, Indonesia vẫn là nguồn cung cấp thịt cua ghẹ hàng đầu cho Mỹ, với 11.641 tấn ghẹ xanh, chiếm 41% tổng nguồn cung cua ghẹ NK và ít hơn 3,2% so với 12.032 tấn XK vào Mỹ năm 2017, chiếm 46% nguồn cung NK.

Thực tế, NK thịt cua từ Indonesia đã không tăng từ năm 2016 khi Mỹ NK 12,501 tấn ghẹ xanh từ Indonesia, tăng gần 25% so với 10.030 tấn năm 2015.

Năm 2018, kim ngạch XK cua ghẹ của Indonesia sang Mỹ đạt 328,9 triệu USD, tăng 11,8% so với 294,3 triệu USD trong năm 2017.

Mặt hàng thịt cua Indonesia có vẻ không bị giảm cạnh tranh trong năm 2019, khi nhiều nhà NK thịt cua Mỹ tiếp tục duy trì các nhà máy ở quốc gia này.

Tuy nhiên, rắc rối có thể xảy ra khi tháng Ramadan diễn ra vào tháng 5. Nghi lễ này sẽ kéo dài khoảng 29-30 ngày, trong thời gian này các tín đồ hồi giáo thường phải nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Điều này có thể làm giảm sản xuất đáng kể ở Indonesia, một quốc gia có dân số Hồi giáo lên đến 87%.

Người Hồi giáo đánh dấu sự kiện này - vào tháng thứ chín của đạo Hồi.  Họ ăn mừng kết thúc dịp này bằng cách trở về quê hương và ăn uống trong lễ hội kết thúc Eid al-Fitr.

Sự kiện kết thúc này là nguyên nhân  làm đóng cửa các nhà máy và tạm dừng các hoạt động thu hoạch trong vòng 10 ngày.

John Keeler chủ tịch điều hành tại Blue Star cho biết, mỗi năm Ramadan lùi sớm hơn khoảng 2 tuần và chỉ xảy ra trước mùa hè vào một dịp nào đó trong 25 năm qua.

Nếu Indonesia không cung cấp đủ cua như dự kiến ​​trong dịp này, các nhà NK Mỹ có thể sẽ tìm nguồn cung ứng từ Philippines. Nước đã XK 3,2 triệu kg ghẹ xanh cho Mỹ năm 2018, một kỷ lục trong những năm gần đây và nhiều hơn khoảng 2% so với năm 2017.

NK ghẹ đỏ tăng do lo ngại về thuế quan

Trong khi sản xuất của Indonesia vẫn ổn định thì XK của Trung Quốc sang Mỹ tăng đột biến trong năm 2018, với 4.798 tấn ghẹ đỏ, tăng 30% so với 3.690 tấn năm 2017, theo dữ liệu của NOAA.

Hầu hết các nguồn thông tin đều cho rằng, XK gia tăng do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Sau khi đặt thuế bổ sung 10% đối với ghẹ đỏ cùng với nhiều sản phẩm hải sản khác của Trung Quốc, chính quyền Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng mức thuế 25% vào ngày 1/1/2019.

Có thể đoán được là các công ty Mỹ đổ xô mua thịt cua trước thời hạn này, đẩy NK cua đỏ Trung Quốc vào Mỹ lên 876 tấn vào tháng 12/2019, tăng 37% so với tháng 12/2017. Chính quyền Trump sau đó đã trì hoãn việc tăng thuế cho đến 1/3/2019 và lại trì hoãn một lần nữa trước thời hạn đó, vì đã đạt được một thỏa thuận.

Bất chấp những biến động liên quan đến thương mại, giá ghẹ đỏ từ Trung Quốc và Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong thời gian gần đây, với mức giá dao động từ 19,80 đến 20,95 USD/pao vào tuần cuối tháng 3, thấp hơn khoảng 4 USD so với giá thịt ghẹ xanh.

Ghẹ đỏ sẽ vẫn phổ biến vào năm 2019, sau khi chiến tranh thương mại kết thúc? Hầu hết các nhà NK đều dự đoán lượng NK sẽ giảm một chút trong năm nay.

Nguồn cung từ Venezuela bất ổn do chính trị

Một nước cung cấp cua khác đáng chú ý trong năm 2019 là Venezuela. Năm 2018 XK cua xanh (Callinectes sapidus) của Venezuela sang Mỹ tăng lên 2.289 tấn, tăng 40% so với năm 2017, bất chấp bối cảnh bùng phát vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus vào tháng 7 và tháng 8/2018, khiến khoảng một chục người ở 5 bang bị ngộ độc do ăn cua xanh Venezuela và bối cảnh chính trị bấp bênh ở nước này, khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đang nỗ lực để duy trì quyền lực.

Nhiều nhà NK cua cho biết có thể đối phó với sự bùng phát vi khuẩn bằng cách áp dụng chế biến áp suất cao, tuy nhiên, khó có thể đối phó với tình trạng bất ổn chính trị.

American Airlines đã thông báo vào ngày 15/3/2019 rằng họ sẽ dừng các chuyến bay đến Venezuela vì lo lắng cho sự an toàn của các phi công.

Nhưng Paige Tilghman, Phó chủ tịch điều hành của Twin Tails Seafood, cho biết, công ty của ông đang tiếp tục nhận lô hàng thịt cua từ Venezuela. Tuần cuối tháng 3/2019, giá cua xanh tươi từ Venezuela đã được bán từ 17,75 đến 18,00 USD/pao.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục