Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay. Làn sóng Covid-19 thứ 4 đang tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào những khó khăn mới.
Khó khăn chồng chất
Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 khiến ngành du lịch một lần nữa "chao đảo", riêng tháng 5, hơn 90% khách hủy tour. Nhiều nhà hàng, khách sạn tiếp tục vắng khách…
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, du lịch, bán lẻ, vận chuyển hành khách, đồ uống,... vẫn những ngành bị ảnh hưởng nhiều hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố cuối tháng 3 cho thấy, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, ước tính doanh thu đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 13% so với năm trước (năm 2019 tăng 9,8%); du lịch lữ hành, với doanh thu năm 2020 ước tính đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức và giảm 59,5% so với năm trước; vận tải hành khách và vận tải hàng hóa lần lượt giảm giảm 29,6% và 5,2% so với năm 2019.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, song đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Không những thế, đại dịch Covid-19 quay trở lại, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Cần môi trường chính sách thuế ổn định
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, Đậu Anh Tuấn, “Chính sách về thuế vẫn là đề xuất quan trọng nhất được các doanh nghiệp mong muốn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ”.
Miễn giảm thuế, không ra những sắc thuế mới cũng là kiến nghị phổ biến nhất của doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI. Do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đề nghị nhà nước tính toán giảm thuế hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất 1 năm nữa. Một số doanh nghiệp cũng đề xuất cần miễn giảm cả thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam cần duy trì chính sách thuế ổn định và có thể dự đoán để hỗ trợ doanh nghiệp. Bất kỳ một thay đổi nào về chính sách thuế cũng sẽ có ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp Hàn Quốc mong chờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Đó là các giúp doanh nghiệp sống sốt, trụ vững và từ đó có thể phục hồi”.
“Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách trực tiếp. Thậm chí ngay tại Hàn Quốc, chúng tôi cũng đang áp dụng nhiều chính sách mới như cung cấp khu công nghiệp miễn phí, miễn và giãn thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn”, ông Hong Sun chia sẻ.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, do đó tăng các loại thuế, phí sẽ tác động lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo, vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong đại dịch.
Theo ông Đậu Anh Tuấn: “Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn”.