Hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra

Đồng Tháp là tỉnh có vùng chuyên canh cá tra xuất khẩu lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra thương phẩm hàng năm khoảng 530.000 tấn.
Hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra
Doanh nghiệp Việt Nam chế biến cá tra xuất khẩu

Tỉnh Đồng Tháp hiện đang thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành hàng cá tra, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Sản phẩm được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao.

Đồng Tháp là tỉnh có vùng chuyên canh cá tra xuất khẩu lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra thương phẩm hàng năm khoảng 530.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 đạt 16.831 tỷ đồng, chiếm 28,43% tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng 20,1% so năm 2017. Ngành hàng cá tra đã hình thành chuỗi sản xuất ổn định, phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng đóng góp 10.355 tỷ đồng, tương đương 54,9% tổng giá trị thủy sản.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh. 

Các vùng sản xuất đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích hơn 1.509 ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với diện tích 827 ha chiếm trên 55% diện tích nuôi; có 96 cơ sở thực hiện cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống.

Hiện nay, có 1.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra. Vùng sản xuất giống tập trung gồm các địa phương như: huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh. Hàng năm, các cơ sở sản xuất 1,8 tỷ con cá tra giống/năm.

Các món ăn được làm từ nguyên liệu cá tra, cá basa.

Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt, thị trường tiếp tục được xuất khẩu sang 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu sản phẩm đã thay đổi, tăng số lượng sản phẩm giá trị gia tăng như: chả giò, bọc bột, ốp rau củ, cá viên, cá cắt khúc...; phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng với colagen 1.800 tấn/năm, dầu cá 17.700 tấn/năm, genlatin, da cá sấy... và sử dụng phụ phẩm cá tra chế biến thức ăn gia súc

Đầu tháng 10/2020 với sự kiện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho ra mắt người tiêu dùng một loạt sản phẩm được chế biến từ cá tra, cá ba sa mang thương hiệu BASA Master. Vĩnh Hoàn giúp cho người tiêu dùng có được những trải nghiệm mới với những món ăn rất thú vị giàu dinh dưỡng như: cá viên ba sa, cá ba sa tẩm bột popcorn, cá ba sa cắt lát tẩm gia vị…

Con cá tra ở Đồng Tháp được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết và tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến.

Toàn tỉnh có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu có vùng nuôi với diện tích gần 1.000 ha (chiếm 62% diện tích nuôi toàn tỉnh). Còn lại các hộ nuôi đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, xác định cá tra là ngành chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-19. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ vùng nuôi; định hướng quy hoạch khu, cụm công nghiệp mới có hiệu quả, xây dựng chuỗi ngành hàng liên kết bền vững.../.

(Theo BNews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục