Là 1 trong 2 công ty còn lại xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vẫn không bỏ quên thị trường mới là Trung Quốc.
Trung Quốc: Thị trường mới
Sức hút từ thị trường Trung Quốc qúa lớn khiến cho Vĩnh Hoàn phải nghiên cứu và ngay lập tức đầu tư trụ sở tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, trụ sở này đã hoạt động và đưa nhiều sản lượng thuỷ sản của Vĩnh Hoàn vào Trung Quốc. Nhưng điều này có vẻ vẫn chưa được hiệu quả như Công ty mong muốn nên Vĩnh Hoàn đã rất nhanh chân tìm đến những nhà thương mại để tích cực đẩy sản phẩm cá tra vào thị trường này.
Trong Hội nghị CEO Thực phẩm tươi sống toàn cầu 2018 (F20) được tổ chức tại Trung Quốc, bà Trương Thị Lệ Khanh đã đại diện cho Tổng công ty Vĩnh Hoàn ký biên bản ghi nhớ (MOU) của 20 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống với Alibaba và Win-Chain. Win - Chain hiện đang cung cấp một giải pháp từ trang trại đến doanh số bán hàng trên kênh điện tử. Thông qua giải pháp của Win-Chain, thực phẩm tươi sống từ nhà cung cấp có thể được chuẩn hóa để người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận hơn.
Tính đến hết quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng 42% và vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc vượt Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với Mỹ vẫn là 2 thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Thực tế, sau khi hết cửa vào Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã quay sang tập trung vào thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường có nhu cầu rất lớn, và giá cũn bắt đầu tăng cao hơn. Tại sao phải cố gắng tìm cách để vào thị trường không muốn đón nhận mình, trong khi thị trường Trung Quốc quá lớn và sản lượng cung cấp cá tra của các doanh nghiệp Việt sang đây còn quá nhỏ, ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Tổng giám đốc Công ty Nam Việt chia sẻ.
Công ty thuỷ sản Hùng Vương cũng đầu tư và tập trung đầy mạnh sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Ông Minh, chia sẻ giá xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc cũng đang tăng, nhu cầu thị trường quá lớn, Hùng Vương cũng đang tích cực xuất khẩu cá tra vào thị trường này torng năm nay. “Đây là thị trường mới và tiềm năng”, ông chia sẻ.
Tháng 9 năm ngoái, Vĩnh Hoàn bắt đầu cung cấp các sản phẩm cá tra cho công ty TMall Fresh của Alibaba. Đến nay, giá trị tổng sản phẩm cá tra mà Vĩnh Hoàn cung cấp cho thị trường Trung Quốc thông qua nền tảng trực tuyến này đã lên tới 3 triệu USD. Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn công bố giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 29,8 triệu USD trong tháng 4, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Tính trong quý I, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc của Vĩnh Hoàn tăng 30% về giá và 42% về lượng so với cùng kỳ.
Bắt tay với Alibaba, Vĩnh Hoàn đang dần chuyển từ phương pháp kinh doanh B2B (Bussiness to Bussiness) truyền thống sang kinh doanh B2C (Bussiness to Customer) để cung cấp nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời có thể giao tiếp với khách hàng thông qua các nhà bán lẻ.
Vĩnh Hoàn tích cực đầu tư và tìm thêm thị trường mới trong bối cảnh con đường dẫn đến các thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng bị thu hẹp do Mỹ và Châu Âu liên tục nâng mức thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam. Chiến lược đánh mạnh vào thị trường Trung Quốc của Vĩnh Hoàn đã bắt đầu từ năm ngoái với mục tiêu đưa vào các khu bán hàng sân bay, nhà hàng, khách sạn, với giá bán cao, và cá tra cũng xuất hiện tại các nhà máy với những xuất ăn công nghiệp…
Tính tới tháng 5.2018, tổng giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt mức trên 120 triệu USD, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này nhờ khối lượng xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ 5% trong khi giá bán bình quân tăng vọt tới 33%.
Đưa cá tra qua Alibaba
Cũng tại Hội nghị F20, các nhà cung cấp đã chia sẻ kiến thức về thị trường thực phẩm tươi sống của Trung Quốc, thói quen của người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng để kích hoạt kênh bán lẻ mới. MOU nhấn mạnh vào việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp đáng tin cậy cho các loại thực phẩm tươi sống quan trọng ở Trung Quốc. Đồng thời, các bên cũng cam kết duy trì môi trường bền vững trong mọi quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ.
Với việc tấn công vào thị trường Trung Quốc 1,4 tỉ dân, năm 2018, Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư hơn 300 tỉ để phát triển vùng nuôi, tăng công suất nhà máy. Trọng tâm của kế hoạch đầu tư năm 2018 là gia tăng công suất nhà máy Thanh Bình. Cụ thể, Vĩnh Hoàn sẽ đầu tư 100 tỉ đồng nâng cấp công suất nhà máy lên 150 tấn nguyên liệu/ngày.
Liên quan đến phát triển vùng nuôi, Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư 220 tỉ đồng để tăng sản lượng tự nuôi tại vùng nuôi 220 ha Long An lên 40%. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn chi 20 tỉ đồng nâng cấp xưởng sản xuất collagen và 35 tỉ đồng để mua sắm thiết bị nhà máy chế biến cá. Việc đầu tư này phục vụ mục tiêu tăng trưởng đột phá doanh thu các sản phẩm giá trị gia tăng của Vĩnh Hoàn trong năm nay.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, các cổ đông cũng đã thông qua chiến lược, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico sẽ là các thị trường xuất khẩu chiến lược của Vĩnh Hoàn trong giai đoạn tới.
Trong đó, collagen và gelatin là hai sản phẩm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tới 150% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng giá trị xuất khẩu của sản phẩm collagen đạt tới 4 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, đóng góp 3% vào tổng giá trị xuất khẩu.
Theo thống kê của VASEP, với giá trị xuất khẩu 93,14 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2018, Vĩnh Hoàn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ngành thủy sản. Xét về thị phần, Công ty đã gia tăng tỷ lệ từ 14,8% lên 15,2%.
Vĩnh Hoàn hướng tới mục tiêu xuất khẩu collagen và gelatin đạt 20 triệu USD trong năm 2018, hướng đến tỷ trọng 10% trên tổng doanh thu bán hàng vào năm 2020.Trong cả năm 2018, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 9.300 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỉ đồng, tăng lần lượt 14% và 10% so với năm 2017.
Vĩnh Hoàn cũng sẽ duy trì tăng trưởng tại thị trường Mỹ, tăng thị phần ở khối thị trường mới phát triển bao gồm châu Á mà nổi bật là Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ Latinh điển hình là Brazil, Mexico và khối Đông Nam Âu.
(Theo NCĐT)