VASEP 20 năm và ước mơ cá tra 2.0

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kỷ niệm tròn 20 năm hoạt động vào ngày 12/06/2018. Mặc dù hiện không tham gia hội viên VASEP nữa, qua bài viết này tôi gửi đến VASEP lời chúc mừng tốt đẹp và lòng biết ơn sâu sắc.

VASEP 20 năm: ấn tượng về 3 hoạt động

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kỷ niệm tròn 20 năm hoạt động vào ngày 12/06/2018. Mặc dù hiện không tham gia hội viên VASEP nữa, qua bài viết này tôi gửi đến VASEP lời chúc mừng tốt đẹp và lòng biết ơn sâu sắc.

Rỏ ràng VASEP đã có nhiều đóng góp to lớn và thiết thực cho sự phát triển của ngành thủy hải sản Việt Nam trong 20 năm qua. Riêng trong ngành cá tra, tôi đặc biệt ấn tượng và đánh giá cao 3 hoạt động tích cực và rất hiệu quả của VASEP mà nhờ đó đã giúp ngành cá tra thực hiện được sứ mạng cao cả của mình là mang nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng đáng giá cho nhân loại ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là những người nghèo cần thức ăn phù hợp với túi tiền.

Một là hoạt động xúc tiến thương mại. Tôi vẫn còn lưu những kỷ niệm đẹp về những chuyến tham gia các hội chợ và xúc tiến thương mại cùng VASEP tại Châu Âu, Mỹ, Trung Đông…Vào buổi sơ khai của ngành cá tra đầu những năm 2000, đa số các doanh nghiệp cá tra chưa có kiến thức và kinh nghiệm xuất ngoại để quảng bá sản phẩm của mình như bây giờ. Vì vậy vai trò tổ chức và dẫn dắt của VASEP khi đó là rất quan trọng và đáng khen ngợi. Từ việc đăng ký tham gia, chuẩn bị và mang hàng mẫu cho đến cách thức trang trí gian VASEP đều hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Vui và tự hào khi tại các kỳ hội chợ nước ngoài các khách hàng phương Tây lũ lượt kéo đến gian hàng VASEP và gian hàng các doanh nghiệp cá tra tò mò tìm hiểu về con sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Hai là hoạt động huấn luyện và đào tạo của VASEP cho các doanh nghiệp hội viên. Các khóa đạo tạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng quản lý và kiểm soát trong ngành chế biến đông lạnh, các lớp tập huấn về kiến thức marketing, thị trường xuất khẩu….đã góp phần to lớn vào sự trưởng thành và phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu cá tra như hiện nay.

Ba là hoạt động bảo vệ và hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp nói riêng và cho ngành thủy hải sản nói chung từ các vụ áp thuế chống bán phá giá của Mỹ và các chiến dịch truyền thông bôi nhọ cá tra tại các thị trường Châu Âu. Phải nói rằng nếu không có sự tư vấn và can thiệp từ VASEP thì ngành cá tra khó mà giữ được đà xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho đến bây giờ. Từ việc thuê luật sư, vận động hành lang cho đến việc đại diện bị đơn tham gia các vụ kiện VASEP đều đã và đang làm rất chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa các thiệt hại cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam.

Mơ ước cá tra 2.0

Ngành cá tra, cùng với sự đồng hành chung tay của VASEP, đã phát triển thần kỳ trong 20 năm qua. Nhưng theo tôi ngành cá tra của chúng ta vẫn còn ở mức độ 1.0. Vì cho đến nay hầu hết các sản phẩm được chế biến từ con cá tra vẫn còn ở dạng thô, hàm lượng tinh chế và giá trị gia tăng rất ít. Khâu sản xuất giống và nuôi thương phẩm gần như dậm chân tại chổ trong 20 năm qua, từ cung cách ương tạo giống đến khâu nuôi và thu hoạch hầu hết làm thủ công và chưa có áp dụng khoa học công nghệ nào đáng kể.

Riêng khâu chế biến, đóng gói và bảo quản có khá hơn do được tiếp cận và theo kịp sự tiến bộ về khoa học công nghệ trong ngành chế biến thủy hải sản của thế giới. Nhưng đa phần là các máy móc công nghệ đắt đỏ nhập khẩu từ Châu Âu, Mỹ. Có sự cải tiến và nội địa hóa các máy móc thiết bị, công nghệ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhưng so với hàng nhập vẫn còn nhiều hạn chế.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy đã đến lúc VASEP, ngành cá tra nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm cho đến chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm. 

Internet kết nối vạn vật (IoT) trong ngành cá tra, tại sao không?

Theo các chuyên gia về IoT, việc ứng dụng IoT vào ngành thủy sản khó và phức tạp hơn nhiều so với các lĩnh vực nông nghiệp khác. Đặc biệt trong khâu giống và nuô. Nhưng tôi tin rằng trong tương lai gần điều này sẽ phải xảy ra như là một xu hướng tất yếu để ngành tồn tại và hội nhập.

Vậy CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng gì đến ngành cá tra trong tương lai? Theo tôi sẽ xảy ra những thay đổi lớn sau:

1. IoT giúp cải cải thiện năng suất và chất lượng nuôi trồng và chế biến. Hãy thử tượng tượng tại các ao nuôi cá tra người ta sẽ lắp đặt các con chip và thiết bị cảm ứng để thu thập các dữ liệu trong suốt quá trình nuôi và chế biến như nhiệt độ môi trường, nhiệt độ và chất lượng nước, sự tăng trưởng và kích cỡ cá, số lượng cá hiện diện trong ao, xuất xứ giống và thức ăn…rồi đưa các dữ liệu này lên các nền tảng dữ liệu lớn (big data) như điện toán đám mây để từ đó người nuôi, doanh nghiệp có thể dùng các thiết bị di động thông minh của mình để theo dõi, kiểm soát và quản lý quá trình nuôi và chế biế. Đơn cử là IoT sẽ giúp giải quyết vấn đề đau đầu từ trước đến nay của người nuôi và doanh nghiệp là không thể xác định chính xác được kích cỡ và tổng sản lượng cá trong một ao nuôi vì chỉ căn cứ trên kết quả kiểm mẫu đại diện, từ đó gây khó khăn và thiệt hại cho cả đôi bên. Cá nguyên liệu về nhà máy thường xuyên trật size cỡ thành phẩm theo các đơn hàng xuất khẩu và chênh lệch về lượng nên dẫn đến hệ lụy là thiếu hàng đúng size cho các hợp đồng đã ký  trong khi tồn kho hàng không mong muốn.

2. IoT giúp các cơ quan quản lý thống kê chính xác tổng sản lượng nuôi và tồn kho thành phẩm trong từng thời điểm cụ thể từ đó hệ thống có thể đưa ra các tham chiếu và khuyến cáo hữu ích cho các bên có liên quan nhằm điều tiết cung cầu và giá cả theo hướng có lợi nhất cho các bên.

3. IoT giúp đồng bộ và minh bạch hóa thông tin liên quan tới việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Toàn bộ thông tin về sản phẩm từ khâu nuôi tới khi lên bàn ăn sẽ được cập nhật bằng công nghệ blockchain và người tiêu dùng cũng như các bên có liên quan có thể dễ dàng truy xuất thông tin về sản phẩm thông qua mã QR trên bao bì nhãn mác sản phẩm. Việc công khai và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm cá tra bằng công nghệ blockchain như vậy cũng sẽ giúp ngành cá tra thoát khỏi sự tự cạnh tranh lẫn nhau về gía cả như hiện nay và có thể tránh được các áp đặt chống bán phá giá từ phía thị trường Mỹ hay các chiến dịch truyền thông bôi nhọ do thông tin về sản phẩm sẽ có độ tin cậy cao, luôn được cập nhật và minh bạch hóa trên nền tảng blockchain cho tất cả các bên có liên quan.

4. Trí tuệ nhân tạo và robot sẽ dần thay thế lực lượng lao động trong ngành cá tra. Sẽ dần xuất hiện các nhà máy không ánh đèn (black factories). Đây sẽ vừa là cơ hội cho ngành cá tra vừa là thách thức cho xã hội khi các doanh nghiệp sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào lược lượng công nhân đông đảo trong khâu chế biến.

Dẫu muốn hay không thì ngành cá tra tất yếu sẽ phải thay đổi và thích nghi theo xu hướng của CMCN 4.0 để tồn tại và phát triển lên tầm cao mới. Để làm được việc này thì ý thức của các doanh nghiệp và vai trò tư vấn, định hướng và kết nối của VASEP là yếu tố quyết định. Ngành cá tra dự đoán sẽ được tổ chức và định hình lại theo xu hướng tốt đẹp hơn nhờ cuộc CMCN 4.0 này. Ai tiên phong dẫn đầu trong cuộc cách mạng này sẽ là người chiến thắng.          

Để kết thúc bài viết này tôi muốn kể cho các quý độc giả câu chuyện về Hiệu ứng cá da trơn (The catfish effect) mà tôi đã được biết từ sách vở. Tương truyền rằng, ở đất nước Na-Uy trước đây, cá sác-đin tươi có giá cao hơn nhiều lần so với cá sác-đin đông lạnh. Tuy nhiên, gần như chỉ có duy nhất một thuyền trưởng nọ có khả năng chở cá sác-đin tươi về đến nơi. Chẳng ai biết ông ta đã làm thế nào. Đến tận khi ông mất, người ta mới khám phá ra bí mật của ông: với mỗi bể chứa cá sác-đin, ông thả vào một con cá da trơn (catfish). Bọn cá sác-đin sẽ phải luôn vận động, bơi tránh con cá da trơn nếu không sẽ bị ăn thịt. Vì luôn vận động như vậy, nên chúng tránh được tình trạng trì trệ do bị nhốt lâu ngày, và từ đó sống được dai hơn...

Trần Huy Hiển - CEO Công ty TNHH PGTP Pha Lê (Đồng Tháp)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục