Ứng dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn giúp cắt giảm chi phí nuôi cá tra tại ĐBSCL

Nuôi cá tra là nghề phát triển rất mạnh ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đây cũng là ngành rất dễ bị "trồi sụt" bởi các yếu tố tác động.

ĐBSCL là trung tâm kinh tế thủy sản của cả nước. Trong những năm vừa qua, nhờ đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công nghệ nên nuôi cá tra đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của vùng. Không chỉ mang về nguồn ngoại tệ lớn, nuôi cá tra còn có vai trò rất quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người dân. Song đây cũng là ngành liên tục phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ thị trường đòi hỏi phải liên tục cải thiện chất lượng con giống, cắt giảm chi phí nuôi, chế biến, đổi mới sản phẩm…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường XK bị ảnh hưởng, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong nửa đầu năm nay thấp, dao động quanh mức 18.000 – 18.500 đồng/kg. Với mức giá này, cả người nuôi và các nhà sản xuất, chế biến đều thua lỗ, treo ao. Điều này khiến nhu cầu cắt giảm chi phí tại các ao nuôi cá tra càng trở nên cấp bách.

Khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ hao hụt trong các ao nuôi cá tra hiện nay còn khá cao có khi lên đến 30 - 35%, cá biệt có những ao nuôi cá tra có tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50 % do thả cá với mật độ quá cao (trên 100 con/m2).

Không chỉ có thế, chi phí nuôi cũng tăng cao, trước đây do chất lượng cá giống khá tốt, thời gian nuôi chỉ mất 5 - 6 tháng là đã có cá đạt kích cỡ đúng tiêu chuẩn xuất khẩu (khoảng 0,8 - 0,9 kg/con), hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) đạt khoảng 1,5 - 1,6. Nhưng hiện nay, khi chất lượng cá tra giống đang suy giảm, để đạt được kích cỡ cá trên, người nuôi phải mất 7 - 8 tháng, FCR lên đến 1,7 - 1,8. Do đó, chi phí thức ăn trong quá trình nuôi đối với mỗi ha cũng tăng thêm khoảng 500 - 600 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc giá thành mỗi kg cá cũng tăng tương ứng thêm 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Ông Lê Xuân Thịnh - Chuyên gia về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn, Giám đốc VNCPC

 Theo đánh giá, sự thành công trong nuôi trồng thủy sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý hiệu quả các chi phí trong quá trình sản xuất, đặc biệt là chi phí thức ăn (chiếm trên 78% trong giá thành). Việc quản lý cho ăn không hiệu quả như cho cá ăn dư thừa không những làm lãng phí thức ăn, tăng chi phí sản xuất mà còn gây ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi.

Trong khi cho cá ăn không đủ sẽ làm cho cá chậm lớn và tỉ lệ chết cao. Đây cũng chính là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất bại trong nuôi trồng thủy sản. Do vậy rất cần nghiên cứu các khía cạnh kỹ thuật, quản lý xác lập và xây dựng các giải pháp công nghệ giúp giảm giá thành, nhờ đó người nuôi có thể duy trì và phát triển mô hình nuôi cá tra bền vững ở vùng ĐBSCL

Từ năm 2013 - 2017, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC - thuộc BK Holding - Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã cùng WWF-VN, WWF-Áo và VASEP thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam - SUPA” do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm nâng cao giá trị, cắt giảm giá thành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững cá tra Việt Nam. Một trong những hoạt động rất hiệu quả là dự án đã phối hợp cùng Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp cắt giảm chi phí giá thành trong khâu nuôi. Hàng loạt biện pháp với chi phí thấp đã được áp dụng như:

- Nuôi với mật độ phù hợp: 40 con/m2

- Chế độ thức ăn FCR: 1,44 - 1,48

- Bổ sung ezym phytase vào trong thức ăn để tăng cường độ tiêu hóa

- Thường xuyên kiểm soát chất lượng nguồn nước cấp, tạo độ thoáng cho bề mặt nuôi để tăng cường cung cấp ôxy bằng cách: tạo dòng chảy liên tục, phun nước…

- Kiểm soát dịch bệnh

Mục

Trước khi áp dụng

Sau khi áp dụng

FCR

1,55 – 1,75

1,44 - 1,48

Tỉ lệ sống

69 – 82%

83 – 92%

Chi phí sản xuất (đ/kg)

20.700 – 21.600

18.620 – 19.890

Chất lượng môi trường

 

 

pH

7,7 -7,9

7,6 – 8,6

Oxy (mg/l)

1,2 - 1,8

1,7 – 2,9

TAN (mg/l)

0,033-4,602

0,33 – 3,1

H2S (mg/l)

0,019 – 0,035

0,01 – 0,02

Kết quả là chi phí giá thành nuôi cá tra đã giảm đáng kể. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp tổng hợp về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn đã giúp các doanh nghiệp nuôi cá tra vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, phát triển bền vững và tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Lê Xuân Thịnh - Chuyên gia về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn, Giám đốc VNCPC

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục