Như vậy, so với kế hoạch cả năm là 3.200 tỷ doanh thu và 250 tỷ lợi nhuận sau thuế, đến nay Công ty đã lần lượt thực hiện được 25% và 30% chỉ tiêu. Với kết quả trên, ANV hiện ghi nhận tổng lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/3/2018 là 229 tỷ đồng.
Riêng tại công ty mẹ, tình hình hoạt động từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận những thắng lợi tương đối với 793,5 tỷ doanh thu thuần và 146 tỷ lợi nhuận sau thuê, tương ứng tăng 14% và 441% so với quý 1/2017. Để có được thành tích trên, bên cạnh tình hình kinh doanh khả quan, quý 1 năm nay công ty mẹ ANV có thu về khoản doanh thu tài chính đột biến hơn 95 tỷ (cùng kỳ 2017 chỉ đạt 6 tỷ đồng), trong đó khoản cổ tức lợi nhuận được chia đạt đến 94,2 tỷ đồng.
Nói về ANV, từng là vua cá tra một thời - đi trước 2 "ông lớn" hiện nay là Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) – sau nhiều năm liền sa vào cơn bĩ cực tại khoản đầu tư DAP 2 – Vinachem (DAP Lào Cai) đã hồi sinh trở lại. Kể từ tháng 11/2017, sau khi bán dứt điểm được gánh nặng trên, cùng với tình hình thị trường cá tra khởi sắc, ANV liên tiếp ghi nhận tăng trưởng. Tính riêng năm 2017, ANV đạt 2.954 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện và chi phí tài chính giảm giúp công ty ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 154 tỷ đồng, vượt 26% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông đạt 131 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với khoản lãi 19.4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, việc loại bỏ các khoản đầu tư ngoài ngành và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là thủy sản đã giúp Công ty đạt được kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại trong năm nay. Theo đó, cổ phiếu này trên thị trường cũng đã có một năm tăng trưởng mạnh nhất từ trước đến nay, hiện đang giao dịch tại mức 26.900 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu ANV 1 năm qua.
(Theo CafeF)