An Giang: Cá tra cũng cần chú trọng thị trường nội địa

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Nâng cao chất lượng hàng hóa, liên kết xúc tiến thị trường nội địa được xem là hướng đi quan trọng để doanh nghiệp (DN) trụ được trong bối cảnh dịch bệnh.

Thách thức xuất khẩu

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của An Giang nhưng dự báo từ nay đến cuối năm 2020, xuất khẩu cá tra vẫn gặp khó do ảnh hưởng  dịch bệnh COVID-19. Theo đánh giá của VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy  sản Việt Nam), các mặt hàng cá tra có thể tận dụng cung cấp cho hệ thống bán lẻ ở Châu Âu khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu) có hiệu lực. Ngoài ra, DN có thể thúc đẩy mở rộng khai thác các thị trường mới, tiềm năng, tận dụng sự khởi sắc của một số thị trường lớn, truyền thống khi hàng tồn kho tại các nước không còn đủ phục vụ nhu cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu khó khăn vẫn là khuynh hướng được dự báo trước.

Theo Sở Công thương An Giang, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các nước khu vực Châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông… áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và cấm tụ tập đông người, dẫn tới suy giảm nhu cầu nội địa kéo dài. Chỉ khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội của các nước ổn định lại mới có cơ hội để các DN xuất khẩu cá tra tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Đây vẫn là những thị trường đầy tiềm năng cho các DN hậu COVID-19.

Tuy nhiên, để duy trì hoạt động trong thời dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, DN cần linh hoạt chuyển hướng sang thị trường nội địa. “Từ đây đến cuối năm, tỉnh khuyến khích các DN đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cá tra ở thị trường nội địa, trong đó tập trung ở thị trường phía Bắc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Một trong những DN tiên phong đưa sản phẩm cá tra ra miền Bắc là Tập đoàn Nam Việt. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới cho biết, những năm qua, Nam Việt bán cá tra ra các tỉnh phía Bắc với số lượng khá lớn, trung bình mỗi tháng từ 100-200 tấn theo đơn đặt hàng của các DN. “Từ đây đến cuối năm, Nam Việt phấn đấu bán ra các tỉnh phía Bắc khoảng 1.000 tấn cá tra thành phẩm” - ông Doãn Tới khẳng định.

Đừng “bỏ quên” thị trường 100 triệu dân

Với những DN “mải mê” chạy theo thị trường xuất khẩu, có lẽ đã ít nhiều “thấm đòn” khi dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại trên thế giới. Tuy vậy, họ lại quên rằng, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, đòi hỏi ngày càng cao về số lượng và chất lượng hàng hóa, là thị trường rất ổn định nếu DN khai thác tốt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang hiện có khoảng 6.582 hộ nuôi thủy sản với diện tích thu hoạch hàng năm khoảng 3.400ha, sản lượng trên 500.000 tấn/năm. Ngoài đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, các đối tượng thủy sản tiềm năng như: cá lóc, cá nàng hai, lươn, cá hô, cá chép giòn… góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tác động đến sản xuất cá tra, giá cá xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, người nuôi gặp khó khăn, thua lỗ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng An Giang vẫn xác định thủy sản là ngành hàng chủ lực, tiếp tục tập trung tái cơ cấu để đảm bảo phát triển bền vững.

 “Trong tái cơ cấu ngành cá tra, phải đi từ khâu chọn tạo cá bố mẹ đến ương dưỡng cá giống và liên kết tạo chuỗi nuôi khép kín. Tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ “quyền lợi và trách nhiệm”, trong đó DN tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư khẳng định.

Theo các chuyên gia, dù dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động lớn đến các DN xuất khẩu cá tra nhưng cũng là cơ hội để các DN tự cơ cấu lại chính mình, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng sản phẩm. Ngoài tận dụng những thị trường tiềm năng như: Liên minh Châu Âu (EU), Nga, DN cần quan tâm thị trường Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu dân, là thị trường rất tiềm năng mà lâu nay nhiều DN chế biến xuất khẩu cá tra “bỏ quên”. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, việc tiêu thụ cá tra tại thị trường trong nước rất quan trọng, giúp người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt, giàu dinh dưỡng mà giá cả lại hợp lý, có thể đưa vào bếp ăn tập thể tại các trường học, DN, đưa đến từng gia đình…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, không chỉ cá tra mà các mặt hàng nông nghiệp thế mạnh khác của ĐBSCL như: trái cây, lúa, gạo cần hướng đến phục vụ thị trường nội địa. “Muốn làm được điều này, công tác truyền thông, quảng bá cần phải đi trước một bước, giúp người tiêu dùng biết đến quy trình nuôi trồng, chế biến của con cá tra Việt Nam nhiều hơn, từ đó thay đổi thói quen “đi chợ” của người dân. Với các mặt hàng nông sản khác cũng vậy, cần chứng minh cho người dân thấy, hiểu và tin tưởng vào chất lượng, xây dựng được uy tín, thương hiệu để người dân ưu tiên chọn mua gạo, trái cây, rau, củ của DN trong nước thay vì hàng ngoại nhập” - ông Tiến lưu ý.

“Giá thịt heo hiện nay rất cao, gần 200.000 đồng/kg, trong khi giá cá tra chỉ vài chục ngàn đồng/kg, vừa rẻ, vừa ngon và giàu dinh dưỡng, tại sao người dân Việt Nam không chọn mua, trong khi thế giới mua ăn hàng ngày? Đó là vì chúng ta chưa kết nối, quảng bá và tuyên truyền tốt” - ông Doãn Tới đặt vấn đề.

(Theo báo An Giang)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục