Theo SSI, lạm phát trong năm 2023 tiếp tục là thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành cá tra có phần khởi sắc khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc đã mở cửa trở lại.
Lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản sẽ giảm tốc trong quý IV/2022
Theo báo cáo của SSI, trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động giữa nửa đầu và nửa cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ) trong 11 tháng đầu năm 2022.
Trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 4 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ) và 2,3 tỷ USD (tăng 64%), chủ yếu do đạt mức tăng trưởng ấn tượng 38% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Đây là mức cao kỷ lục, so với CAGR (tốc độ tăng trưởng hàng năm kép) xuất khẩu thủy sản là 4% trong giai đoạn 2011- 2021.
Trong nửa đầu năm, cả xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng trưởng nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022.
Ảnh: SSI
Các công ty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong suốt 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng quý đang giảm dần. Hầu hết các công ty đều được hưởng lợi từ sự giảm giá của VND so với USD với doanh thu được ghi nhận bằng USD.
Chỉ những công ty có khoản nợ bằng USD mới ghi nhận các khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, nhưng dư nợ bằng USD của những công ty này tương đối thấp. Với nhu cầu giảm, giá bán bình quân và chi phí thức ăn thủy sản chưa được điều chỉnh (tăng 33% so với đầu năm), các chuyên gia SSI dự báo các công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý IV/2022.
Ảnh: SSI
Triển vọng năm 2023
Theo báo cáo, năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ đang đến (như Super Bowl và Lễ Phục sinh ở Mỹ) nhưng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. Dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn trong quý III/2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm này.
Giá bán bình quân có thể sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu. Qua đó dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành thủy sản sẽ giảm vào năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao, chẳng hạn như IDI. Nhìn chung, các chuyên gia SSI dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023.
Trong bối cảnh người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ, báo cáo cho rằng doanh thu cá tra sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh thu tôm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được cho là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, các chuyên gia SSI tin rằng điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá. Giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. Báo cáo cho rằng, doanh thu từ Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu cá tra từ thị trường Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.
Các chuyên gia vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Dự báo, lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023.
Bảo Ngọc (Theo Mekong Asean)