(vasep.com.vn) Các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Khoa học Hàng hải Scotland (SAMS) đã dự báo rằng vào năm 2100 các loài thương mại quan trọng như cá tuyết cod, haddock và cá trích có thể biến mất khỏi các ngư trường khai thác phía tây của Scotland do sự nóng lên toàn cầu.
Các phát hiện cho thấy rằng những loài này đã gần chạm đến mốc chịu nhiệt tối đa và trong những thập kỷ tới, những loài này sẽ dần dần được thay thế bằng các quần thể cá hồi saithe, cá hake và cá tuyết lam.
TS. Natalia Serpetti, nhà sinh thái học biển tại SAMS cho biết, những kết quả này làm nổi bật tầm quan trọng của việc xem xét những thay đổi về môi trường, cũng như hạn ngạch được phép khai thác nhằm quản lý nghề cá bền vững ở cấp độ hệ sinh thái.
Serpetti giải thích rằng nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các tác động của hạn ngạch khai thác hiện nay, cùng với các tương tác về nguồn thức ăn cho loài trong hệ sinh thái. Bằng cách này, họ xác định rằng trữ lượng cá tuyết cod, cá tuyết lam và cá trích đang có xu hướng giảm dần do mức độ khai thác cao và sẽ có khả năng phục hồi nhờ việc quản lý nghề cá bền vững.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng họ đã kiểm tra tác động của nhiệt độ tăng lên theo kịch bản biến đổi khí hậu của Tổ chức Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu (IPCC), trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đánh bắt phù hợp với sản lượng bền vững hiện nay và thấy rằng sẽ có sự suy giảm về trữ lượng của các loài cá nước lạnh.
Serpetti nhấn mạnh, kết quả trên cho thấy khí hậu nóng lên có thể gây nguy hiểm cho việc quản lý nghề cá bền vững: nhiệt độ tăng cao đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài nước lạnh như hải cẩu, cá tuyết cod, cá tuyết haddock và cá trích, tất cả đều dự kiến giảm vào năm 2100 trong trường hợp xấu nhất là khí hậu nóng lên.
Các nghiên cứu của Tiến sĩ Serpetti đã cập nhật mô hình biển hiện tại của hệ sinh thái đối với bờ biển phía Tây Scotland, nằm ở phía đông bắc Đại Tây Dương tính từ bờ biển đến rìa thềm lục địa.
Mô hình của Serpetti đã xem xét đến việc nhiệt độ tăng lên sẽ làm ảnh hưởng đến 41 nhóm loài từ top những loài cá ăn thịt hàng đầu như cá voi và hải cẩu cho đến nhiều loài cá và động vật như cua và ốc sên sống ở đáy biển.
Nghiên cứu này là một phần của Chương trình Nghiên cứu Hệ sinh thái Biển (MERP), do Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên (NERC) và Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA) tài trợ.