Thị trường cá ngừ Nhật Bản chưa thấy dấu hiệu phục hồi

(vasep.com.vn) Sau sự tăng trưởng 14% vào năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản sụt giảm liên tục trong năm 2020 và 2021, và xu hướng này vẫn tiếp tục trong quý 1/2022. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này quý 1 năm nay chỉ đạt 6,1 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Thị trường cá ngừ Nhật Bản chưa thấy dấu hiệu phục hồi

Giá trị XK các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. 

Nếu như trước đây, thuỷ sản là một trong những loại thực phẩm được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản, trong những năm gần đây xu hướng này đã bị đảo ngược. Sự ưa chuộng các món ăn phương Tây trong giới trẻ Nhật Bản đã khiến bánh mì, thịt bò, thịt gà và thịt lợn phổ biến hơn cả hải sản. Điều này đã khiến cho lượng tiêu thụ thuỷ sản, trong đó có cá ngừ, tại Nhật Bản giảm trong 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản như tạm ngưng hoạt động của các chuỗi dịch vụ ăn uống, đóng cửa không đón khách du lịch… cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của nước này trong 2 năm qua.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản giảm liên tục trong 2 năm qua về khối lượng. Năm 2021, giá trị NK thuỷ sản vào Nhật Bản tăng 9% về giá trị, tuy nhiên con số này chủ yếu là do giá nhập khẩu tăng. Bước sang năm 2022, NK cá ngừ của Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm cũng vẫn tiếp tục giảm. Các DN đang trông ngóng sự phục hồi của thị trường này sau khi Chính phủ Nhật Bản cho phép nhập cảnh trở lại từ ngày 01/3/2022, hứa hẹn sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cơn sốt 'mua sắm/tiêu dùng trả thù' là thuật ngữ mô tả mọi nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng mạnh mẽ vốn đã bị dồn nén trong những tháng ngày giãn cách xã hội hay phong tỏa, yếu tố đã thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 tại các nước như Mỹ và Trung Quốc, lại đang không diễn ra tại thị trường này. Sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của nhiều người Nhật Bản đã phản ánh một xu hướng đáng lo ngại - 'thắt lưng buộc bụng' - ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng phục hồi nền kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng sau khi dỡ bỏ những hạn chế phòng dịch vào tháng Ba.

Tuy nhiên, với giá năng lượng, thực phẩm và các chi phí sinh hoạt khác đều tăng cao, lạm phát trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây do đồng yên giảm mạnh và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, những hy vọng đó đang tan biến nhanh chóng. Đối mặt với viễn cảnh giá cả tăng cao, người tiêu dùng Nhật Bản đang tìm cách tiết kiệm hết mức có thể. Do đó, thị trường cá ngừ Nhật Bản dự kiến sẽ cần thêm thời gian để phục hồi.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay có 19 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản. Trong đó, Mariso VietNam, Evertrust Foods Co., Ltd và Havuco là 3 công ty XK nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 65% tổng giá trị XK cá ngừ sang đây trong quý I/2022.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục