(vasep.com.vn) Các nhà xuất khẩu cá ngừ sang Italy đã bị sụt giảm xuất khẩu trong năm 2020. Do Italy là nước có ngành công nghiệp sản xuất cá ngừ, nên trong năm qua cá ngừ đóng hộp sản xuất trong nước chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng tại thị trường nội địa do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong cả năm 2020, tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và đóng túi nhập khẩu vào Italy đạt 68.761 tấn, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua và giảm 24% so với năm 2019. Mặt khác, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm này sang Italy vẫn ở mức gần tương tự như năm 2019, chỉ thấp hơn 53 EUR.
Tương tự như Tây Ban Nha, Italy cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, với đợt đóng giãn cách xã hội đầu tiên bắt đầu vào cuối tháng 2/2020. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại nước này cũng vì thế tăng lên, tuy nhiên khác với các nước Châu Âu khác hầu hết nhu cầu này của người dân Italy được đáp ứng bởi các nhà sản xuất trong nước. Điều này cũng có thể cho thấy nhập khẩu loin cá ngừ hấp, nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp, của Italy tăng cao, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và đóng túi cỡ lớn phục vụ cho lĩnh vực dịch vụ ăn uống, gần như chết hoàn toàn trong năm 2020. Ngành du lịch sụp đổ đồng nghĩa với các khách sạn phải đóng cửa và chỉ có một số ít nhà hàng Italy mở cửa trong giai đoạn này phải dựa vào người dân địa phương để duy trì hoạt động kinh doanh. Italy là nước có số lượng khách du lịch hàng năm đông nhất trên thế giới. Vào năm 2018, nước này đã đón gần 63,2 triệu khách du lịch – nhiều người trong số nó đến từ Trung Quốc.
Một báo cáo của Liên minh du lịch Italy cho biết ngành du lịch nước này có thể mất đến 100 tỷ EUR vì đại dịch. Điều này đã ảnh hưởng tới ngành công nghiệp cá ngừ vì nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của chuỗi dịch vụ thực phẩm (như nhà hàng, khách sạn…) giảm mạnh.
Các nguồn cung cá ngừ đóng hộp cho Italy
Năm 2020, xuất khẩu cá ngừ đóng túi và đóng hộp từ các nguồn cung chính cho thị trường Italy đều giảm so với năm 2019. Trong đó, Tây Ban Nha là nguồn cung lớn nhất nhóm sản phẩm này cho thị trường Italy trong năm 2020. Tuy nhiên, mặc dù các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp của Tây Ban Nha đã có sự điều chỉnh giá trung bình xuất khẩu năm qua thấp hơn 3% so với năm 2019, nhưng tổng khối lượng xuất khẩu cá ngừ của nước này sang Italy đã giảm 28% so với năm 2019. Như vậy, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Tây Ban Nha sang thị trường này đã sụt giảm liên tục trong 3 năm trở lại đây.
Các nguồn cung chính cá ngừ đóng hộp và đóng túi từ ngoài khối EU cho thị trường Italy cũng không nằm ngoài xu hướng này là Bờ Biển Ngà, Ecuador, Colombia.
Theo số liệu thống kê của Eurostat, Ecuador hiện đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp và đóng túi lớn nhất ngoài khối EU cho thị trường Italy. Quốc gia Nam Mỹ này sau sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 đã bị sụt giảm xuất khẩu trong năm 2020, giảm 18%. Giá trung bình xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và đóng túi của nước này trong năm 2020 ở mức 4.769 EUR/tấn, cao hơn 1% so với năm 2019.
Tương tư như Ecuador, xuất khẩu cá ngừ của Bờ Biển Ngà sang Italy cũng giảm. Trong 3 năm qua, các nhà sản xuất cá ngừ của Bờ Biển Ngà đang bị mất dần thị phần tại thị trường này. Liên tục trong 3 năm từ 2018 – 2020, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và đóng túi của nước này sang Italy đã giảm 48%. Mặc dù qua các năm, các nhà sản xuất của Bờ Biển Ngà đã cố gắng điều chỉnh giá xuất khẩu xuống thấp hơn.
Trong số các nguồn cung chính cá ngừ đóng hộp và đóng túi ngoài khối cho Italy, Seychelles là nước duy nhất có sự tăng trưởng sang thị trường này. So với năm 2019, XK cá ngừ đóng hộp và đóng túi của nước này tăng 32%. Các nhà sản xuất Seychelles đang cố gắng điều chỉnh giá xuất khẩu sang thị trường Italy xuống thấp hơn so với năm 2019 để giành lại thị trường đã mất trước đó.
Trong khi đó, Việt Nam dù không phải là 1 trong 10 nguồn cung cá ngừ đóng hộp và đóng túi lớn nhất cho thị trường Italy trong năm 2020, nhưng xuất khẩu nhóm sản phẩm này đang tăng 30% so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp, sự tăng trưởng này một phần là nhờ tác động của Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam khiến các sản phẩm của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn.