Đại hội VASEP và nhân sự

Nội dung cực kỳ quan trọng của bất kỳ tổ chức nào ở mỗi lần đại hội là vấn đề nhân sự.

Đến hẹn lại lên, VASEP sẽ tổ chức đại hội toàn thể vào ngày 22/12/2020, tổng kết hoạt động nhiệm kỳ, rút ra ưu nhược điểm, bài học kinh nghiệm, đưa ra định hướng hoạt động sắp tới và then chốt là lựa chọn ra Ban chấp hành, các vị trí then chốt để lèo lái con tàu VASEP thời gian tới.

Ai không muốn tổ chức mình mạnh mẽ lên, mạnh mẽ hơn để hỗ trợ hoạt động thành viên trong tổ chức nhiều nhất, tốt nhất. Muốn vậy, phải có chương trình hành động phù hợp, đúng xu thế, đúng tầm... Muốn vậy, phải có một Ban chấp hành mạnh, đoàn kết, nhiệt tình, sẵn lòng chia sẻ cho cái chung...

Những đại hội trước đây, việc nhân sự được bàn luận nhiều nhất, kỹ nhất so các nội dung khác. Để Ban chấp hành hoạt động thuận lợi, nhiều yếu tố, tiêu chí được đưa ra để lựa chọn như:

+ Phân bổ theo ngành hàng.

+ Phân bổ theo địa phương.

+ Phân bổ theo quy mô doanh nghiệp, có lớn có nhỏ.

+ Phân bổ theo giới tính, nhằm thể hiện tính bình đẳng.

Qua nhiều đại hội, các tiêu chí trên đã được hội viên ủng hộ. Về lý thuyết là tốt. Nhưng thực tế có chuyện cần xem xét kỹ lưỡng hơn, nhằm rút kinh nghiệm cho nhân sự nhiệm kỳ mới ổn thoả hơn. Theo tôi:

- Việc đề cử là quyền của mọi hội viên, nhưng phải được sự đồng ý của người được giới thiệu kẻo sau này, người đó trúng cử nhưng không quan tâm tới trách nhiệm dự họp các phiên của BCH. Bởi người đó không có ý định mang thêm trách nhiệm, dẫn tới họp BCH vắng mặt nhiều thì đôi khi không đủ giá trị pháp lý và tốn công.

- Thành viên tán thành trong danh sách ứng cử, được đại hội tín nhiệm, nhưng sau này viện đủ lý do không dự họp BCH thì BCH nên có quy chế thành viên không dự họp bao nhiều kỳ liên tiếp của BCH thì tự động bị xoá tên trong BCH và có thông báo công khai. Việc nhờ thành viên khác dự họp thay chỉ là bất khả kháng, không được thường xuyên bởi đại hội chọn là chọn năng lực của người cụ thể và người họp BCH thay sau này không thể đại diện nội dung này.

- Thành viên BCH được BCH tín nhiệm giữ chức vụ cao hơn, trong thời gian dài không thể hiện trách nhiệm đảm nhận, thí dụ như trong một năm, BCH nên mạnh dạn họp và thay đổi người khác.

- Thành viên BCH thể hiện tính cá nhân, chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng của doanh nghiệp mình, không quan tâm hoặc coi nhẹ quyền lợi chung thì BCH nên xem xét bãi nhiệm.

Hiện nay, thông tin nhanh và phong phú, yếu tố vùng miền trong BCH không quá quan trọng nữa. Tôi thiết nghĩ, BCH Hiệp hội không nhất thiết quá nặng nề, cốt lõi là tìm người có nhiệt tình, năng lực và công tâm, nghĩa là có ý thức chia sẻ cho cái chung của ngành. Cho nên chỉ nên tập trung vào hai tiêu chí là: “Đạo đức năng lực và ngành hàng”. Trong đó quyết định là yếu tố đạo đức năng lực. Đạo đức, năng lực ở đây hiểu nghĩa rộng là có uy tín trong ngành, có sự quan tâm cái chung, hiểu biết việc và nhiệt tình đóng góp. Từ tiêu chí đạo đức năng lực được xem là then chốt, tình huống có ngành hàng hay địa phương có nhiều thành viên được chọn vào BCH không làm khó hoạt động BCH, ngược lại sẽ có luồng gió mới bởi có nhiều thành viên có đạo đức, năng lực, mọi vấn đề sẽ được bàn thảo thấu đáo và công tâm.

Lối mòn, có sẵn, dễ đi bởi ít gập ghềnh nhưng lối mòn không dẫn đến những thay đổi cần thiết, không dẫn đến thành quả nổi trội hơn. Cuộc sống, môi trường hoạt động các doanh nghiệp luôn có nhiều cái mới phía trước bao gồm cơ hội lẫn cạm bẫy. Do vậy, thiết nghĩ nên có suy nghĩ mới đáp ứng tình hình. Việc chọn lựa thành viên BCH VASEP sắp tới cũng vậy, các hội viên sẽ có lựa chọn phù hợp, đúng đắn hơn là tiếp sức để VASEP mạnh mẽ hơn sau này.

TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia