Nhớ chuyện cũ, năm 2010 khởi đầu cho gần chục năm ngành cá tra có kết quả hoạt động đáng buồn. Giá cá tra thương phẩm sụt giảm, người nuôi thua lỗ, treo ao mất nhà! Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cá đã đóng cửa không ít. Nhiều Giám đốc tha hương vì nợ nần không trả nổi! Nguyên nhân? Truyền thông cho là các DN cá bán giá thấp gây thua lỗ. Các doanh nhân cá bị tai tiếng chưa rửa sạch tiếng xấu, nay lịch sử có thể lặp lại ở ngành tôm, tuy kịch bản không hoàn toàn như nhau nhưng có chung đáp án!
Từ năm 2007 cá minh thái trong thiên nhiên ở eo biển Bering giảm sút nghiêm trọng, hạn ngạch khai thác giảm đột ngột cả triệu tấn. Người tiêu dùng EU quen món ăn thịt cá fillet này hàng trăm năm, nay hụt hẫng, cá tra fillet có nhiều điểm tương đồng như thịt trắng, giá cả, dinh dưỡng… nên được chọn thay thế. Cá tra lên ngôi. Cá tra thương phẩm tăng giá đột ngột chiều thẳng… đứng. Người nuôi ùn ùn đào ao thả cá, nhiều người ngoài ngành cũng tham gia xây dựng nhà máy chế biến. Sản lượng cá tra từ khoảng 600 ngàn tấn lên khoảng triệu rưỡi tấn. Cùng lúc đó đàn cá minh thái tự nhiên phục hồi, hạn ngạch khai thác trở lại mức bình thường sau gần 5 năm sụt giảm.
Hậu quả, cá tra tiêu thụ chậm vì cá minh thái chiếm lại thị phần tạm mất. Các doanh nhân cá đứng trước áp lực cá đầy ao, kho đầy hàng, ngân hàng sắp tới hạn trả nợ, phải chấp nhận bán giá giảm để mong vượt qua khó khăn tưởng chừng ngắn hạn. Trong hơn chục năm qua sản lượng cá minh thái ở trạng thái khá ổn định, các DN cá này muốn tăng sức cạnh tranh, nên mượn tay giới truyền thông EU bêu xấu cá tra chúng ta, thật ra chỉ là chiêu, thủ đoạn triệt hạ đối thủ, nhưng có tác dụng trong thực tế. Nhưng chục năm qua, doanh nhân ngành cá biến khó thành cơ hội trở mình, ngành cá cơ bản vượt qua khó khăn và sản phẩm tiêu thụ khắp thế giới. Công lao này truyền thông chưa tìm hiểu và biểu dương thỏa đáng.
Trở lại con tôm. Năm 2022 việc nuôi tôm gặp khó vì dịch bệnh, tôm thương phẩm đắt đồng ế chợ, đội giá thế giới. Nhiều DN tôm, với sách lược của mình, tìm cách trữ nguyên liệu cho tiêu thụ cao điểm cuối năm như mua tôm thương phẩm trữ lúc giá còn mềm, nhập khẩu tôm giá rẻ từ các nước. Bất ngờ tôm các nước cung quá nhiều, trong khi lạm phát suy thoái khiến sức mua không như dự kiến. Đầu năm 2023, tồn kho các nhà phân phối không ít, ở các nhà máy chế biến không nhỏ. Áp lực cuối quý 1 này, tôm nam bán cầu bắt đầu vào vụ. Giá tôm thế giới đang mức thấp và tôm thương phẩm chúng ta đang ở giá cao nhất lịch sử vì khan hiếm, đồng thời mùa vụ mới thả nuôi chậm vì người nuôi đang âu lo dịch bệnh trên tôm, nhất là thời tiết thất thường khiến tôm dễ nhiễm bệnh hơn.
Bây giờ các DN tôm đứng trước bài toán hơn chục năm trước DN cá gặp phải, như hàng tồn kho và nợ ngân hàng và nhất là sức tiêu thụ thấp, giá đang ở đáy. Bài toán nào, sách lược nào vượt qua khó khăn này? Người lao động không việc làm cũng ít nhiều DN phải hỗ trợ, khấu hao vẫn âm thầm diễn ra…
Cho nên các DN tôm đành bán giá thấp theo giá thế giới, tuy là điều không mong muốn, nhưng không thể không làm, hy vọng vượt thách thức đang diễn ra. Giá tôm Ấn Độ loại 40 con chỉ khoảng 107 nghìn đồng (giá ngày 20/2/2023 là 4,53 USD/kg), cùng lúc ở miền Tây là gần 170 nghìn đồng. Các DN tôm nào cần, phải mua cao bán thấp để kèm bán chung hàng tồn kho, dĩ nhiên giá bán sẽ lỗ khoảng 2 USD/kg cho cỡ tôm nêu trên. Qua quý 2, tôm miền tây vào vụ, nếu trúng thì trật tự giá sẽ được thiết lập, giá tôm 40 con sẽ giảm 1/3, chắc chắn người nuôi sẽ không hài lòng. Truyền thông sẽ ồn ào chuyện “trúng mùa rớt giá”. Đâu ai ép giá ai, cung cầu thế giới điều chỉnh giá như có bàn tay vô hình, ngoài sự chủ quan của người trong cuộc. Cho nên kịch bản là:
+ Tôm nuôi vụ chính 2023 không thành công, các DN tôm phải tranh mua giá cao, đội giá thế giới, sống cầm cự. Tùy sức khỏe DN tôm, ai yếu thì đành phải chia tay. Mà giả sử chia tay nhiều, sau đó nhà máy chế biến đâu mà lo tiêu thụ tôm!
+ Tôm nuôi vụ chính 2023 thắng lợi, giá tôm sẽ trở lại mặt bằng giá thế giới, nghĩa là giá tôm thương phẩm giảm mạnh, mới có thể tăng mức tiêu thụ. Kỳ vọng đồng lời của người nuôi thành thất vọng. Tiếng xấu các DN tôm mua ép giá sẽ ồn ào. Về bản chất, hậu quả không khác gì các DN cá khi xưa.
Tình huống nào xảy ra cũng có hậu quả không hay cho DN hoặc doanh nhân. Thật trớ trêu!
Ngẫm nghĩ, làm gì cũng khó, làm doanh nhân cũng vậy, các DN thủy sản cũng trong vòng kim cô này. Có ai thấu hiểu, chia sẻ. Những bài báo câu view, giật tít nêu lên không đúng bản chất sự việc, vô tình trở thành áp lực không nhỏ cho giới doanh nhân. Điều an ủi, trên chỉ là tình huống dự kiến. Trong thực tế vô vàn biến động và chúng ta hy vọng biết đâu cơn bão giông qua nhanh hơn dự kiến. Nhưng trước mắt, các doanh nhân tập trung cho giải pháp vượt dốc theo hoàn cảnh cụ thể của DN mình. Tự cứu trước khi được giải cứu.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN