Tìm đối sách cho ngành tôm trong giai đoạn khó

Xuất khẩu tôm sau 10 tháng đầu năm ước đạt 3,8 tỉ USD, dù tăng trưởng có chậm lại từ đầu quý III đến nay, nhưng theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc năm 2022 xuất khẩu tôm nhiều khả năng vẫn thiết lập kỷ lục mới với giá trị ước đạt 4,2-4,4 tỉ USD, tăng 10-12% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp ngành tôm, niềm vui đó chỉ thoáng qua để nhường chỗ cho những lo toan trước khó khăn, trắc trở đến từ thị trường trong 2 tháng cuối năm và cả quý I-2023.

Chú thích ảnh

Tôm chế biến sâu là một trong những thế mạnh của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta.

Tăng trưởng và trắc trở

Ðúng như dự đoán, nửa cuối năm 2022 thực sự là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp ngành tôm khi những khó khăn, trắc trở cứ liên tục phát sinh mà nguyên nhân chủ yếu là do tình hình lạm phát toàn cầu làm cho sức tiêu thụ giảm; là sự cạnh tranh gay gắt đến từ con tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Ðộ… Tuy nhiên, nhờ tập trung nhiều vào sản phẩm chế biến sâu ở phân khúc cao cấp cho các thị trường lớn, nên ngành tôm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng chung trong 10 tháng đầu năm. Trong 2 tháng còn lại của năm theo nhận định của doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ còn giảm mạnh và nhiều khả năng sẽ kéo dài đến quý I-2023.

Trao đổi với người viết về tình hình xuất khẩu tôm 2 tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, trả lời ngắn gọn: "Sẽ giảm mạnh trong 2 tháng cuối năm và sẽ rất khó trong những tháng đầu năm mới". Cũng theo ông Lực, do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu nên các nhà nhập khẩu hiện có lượng hàng tồn kho khá lớn. Vì vậy, họ rất cân nhắc trong việc ký kết hợp đồng mới cũng như số lượng, thời điểm giao hàng gối đầu cho năm mới như mọi năm. Ông Lực cho biết thêm: "Hiện nay, tất cả đều đang trông chờ vào sức tiêu thụ dịp lễ, Tết cuối năm, như Noel, Tết Dương lịch… Nói như thế không có nghĩa là doanh nghiệp không có hợp đồng gối đầu cho năm mới, mà các hợp đồng này vẫn diễn ra nhưng không nhiều và sản lượng không cao như mọi năm mà thôi".

Không chỉ có nhà nhập khẩu thận trọng, cân nhắc trong việc ký kết hợp đồng mới, mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng hết sức dè dặt vì bên cạnh khó khăn từ thị trường, nguồn tôm nguyên liệu trong nước khan hiếm và giá cao cũng đang là khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, khó khăn gần như chắc chắn sẽ đến ngay từ đầu năm 2023, khi tình hình lạm phát toàn cầu cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp tục leo thang. Trong bối cảnh khó khăn đó, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, xu hướng tìm về với những thực phẩm giá rẻ sẽ lên ngôi, đồng nghĩa với sức tiêu thụ tôm thêm bất lợi.

Chuẩn bị đối sách phù hợp

Nhờ nhận định đúng và sớm tình hình nguyên liệu, thị trường, nên ngay từ đầu quý III-2022, các doanh nghiệp ngành tôm đã có sự chuyển hướng khá rõ nét. Sự chuyển hướng dễ nhận thấy nhất đó là việc ưu tiên tập trung phát huy lợi thế chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng cao cho phân khúc thị trường cao cấp. Việc ưu tiên sản phẩm chế biến sâu tuy có làm cho sản xuất chậm lại, nhưng cũng có cái hay là doanh nghiệp không những không chịu áp lực quá lớn về thiếu tôm nguyên liệu do ảnh hưởng dịch bệnh EHP, phân trắng… mà còn giữ chân được lao động thông qua việc ổn định việc làm và thu nhập. Ðó cũng là lý do vì sao xuyên suốt mùa tôm năm nay, chúng ta không hề nghe đến cụm từ "thu hoạch rộ" hay "cao điểm chế biến" như mọi năm. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, chia sẻ: "Do giá tôm trong nước quá cao trong khi tiêu thụ gặp khó, nên để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, đảm bảo doanh số và lợi nhuận thì chuyển hướng trên là hoàn toàn hợp lý. Tình hình xuất khẩu trong những tháng đầu năm mới sẽ còn hết sức khó khăn, nên các doanh nghiệp sẽ còn nỗ lực nhiều hơn nữa".

Một sự chuyển hướng khác cũng được các doanh nghiệp thực hiện thời gian qua là giảm một phần lượng xuất khẩu vào những thị trường xa và có sự cạnh tranh lớn, như Mỹ, EU… để tập trung vào thị trường gần, như Nhật, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhằm giảm chi phí vận chuyển và áp lực cạnh tranh. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, Mỹ và EU vẫn được xác định là 2 thị trường lớn của con tôm Việt Nam, nên việc duy trì một thị phần nhất định ở 2 thị trường này luôn được doanh nghiệp quan tâm, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp. Ðiều đó được thể hiện qua việc gần đây, dù ưu tiên cho thị trường gần, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn xúc tiến đàm phán với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ và EU, nhất là những nhà phân phối cao cấp. Một doanh nghiệp cho biết: "Nói gì thì nói, ở phân khúc sản phẩm cao cấp của 2 thị trường này chúng ta vẫn có nhiều lợi thế hơn các đối thủ Ecuador và Ấn Ðộ cho dù có chịu ít nhiều tác động đến từ tôm cấp thấp giá rẻ của họ. Do đó, các hợp đồng năm mới chắc chắn vẫn sẽ được đôi bên ký kết, nhưng còn về số lượng, giá cả thế nào, thời điểm giao hàng khi nào… thì chưa thể nói trước được".

Bên cạnh công tác đối ngoại tìm kiếm hợp đồng, các doanh nghiệp cũng chưa hết băn khoăn về nguồn tôm nguyên liệu trong nước tới đây sẽ ra sao vì gần như chắc chắn một điều là nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp dịp cuối năm sẽ không được dồi dào như năm trước. Do đó, theo các doanh nghiệp, để giúp ngành tôm duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023, một trong những yếu tố quan trọng là làm sao nâng tỷ lệ nuôi tôm thành công lên mức bình quân chung trên 50% để vừa đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu, vừa giúp hạ giá thành sản xuất, từ đó mới tăng được tính cạnh tranh và giữ vững vị thế con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bảo Ngọc (Theo báo Cần Thơ)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm