VASEP: Bộ Y tế chưa bỏ quy định như đã cam kết

(ENTERNEWS.VN ) VASEP cho rằng thủ tục “xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” là trái luật và đã được Chính phủ yêu cầu sửa đổi, đại diện Bộ Y tế cũng cam kết sẽ đề xuất bãi bỏ. Nhưng dự thảo mới nhất do Bộ này xây dựng lại không đi theo hướng này.

 Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEAP) vừa có góp ý và kiến nghị về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38 năm 2012 về an toàn thực phẩm.

Theo VASEP, các quy định tại Nghị định 38 là nội dung mà các doanh nghiệp thủy sản gặp vướng mắc nhiều nhất trong suốt 2 năm qua và cũng đã được Hiệp hội nhiều lần kiến nghị.

Tại Nghị quyết số 103 năm 2016, Chính phủ đã tháo gỡ được một phần vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và yêu cầu trong Quý I/2017, Bộ Y tế phải chủ trì sửa đổi Nghị định 38.

Tuy nhiên, theo VASEP, dự thảo sửa đổi Nghị định này vẫn không giải quyết được các vấn đề cần tháo gỡ đang ngăn cản quá trình cải cách và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trái luật?

Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất được VASEP đề cập là quy định về thủ tục “xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” vẫn còn trong dự thảo. VASEP khẳng định thủ tục này là trái các Luật hiện hành cũng như một số Nghị quyết trong thời gian qua.

Cụ thể, Luật An toàn thực phẩm chỉ quy định phương thức đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm chế biến bao gói sẵn, không quy định phương thức “công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm”.

Còn Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn Kỹ thuật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan phải xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.

Nghị định 38 cầu việc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện công bố phù hợp an toàn thực phẩm với những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đến khi có quy chuẩn tương ứng. Đó là sự hiểu sai Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn Kỹ thuật, vì Luật này quy định với những sản phẩm không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở và có chứng nhận hợp chuẩn để quản lý chất lượng.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP: “Quy định này không biết từ đâu ra và đã gây ra “chuỗi” những sự nhiêu khê, không căn cứ và vô cùng bức xúc cho hàng nghìn doanh nghiệp thực phẩm trên toàn quốc. Nếu Nghị định 38 không được sửa đổi triệt để, sẽ là một “tảng đá” chính trong việc thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 hay cả Chỉ thị 26 mà Thủ tướng mới ký ngày 6/6/2017 về các giải pháp tăng trưởng trong một số ngành, lĩnh vực”.

Yêu cầu của Chính phủ

Do đó, tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ đạo “rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu xác nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia”.

VASEP cũng dẫn báo cáo về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016, trong đó Bộ Y tế cũng cho rằng thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai trong thực tiễn.

Đây là biện pháp quản lý theo phương thức “tiền kiểm” thực chất ít hiệu quả, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, cần chuyển sang áp dụng phương thức quản lý “hậu kiểm” (kiểm tra, thanh tra theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do cơ sở công bố áp dụng) nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây nhất, tại Hội nghị đối thoại giữa VASEP và các cơ quan quản lý nhà nước về những vướng mắc liên quan đến quản lý chuyên ngành với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 13/5/2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã cho rằng, nếu căn cứ vào Luật An toàn thực phẩm thì đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của VASEP là hợp lý bởi Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn.

"Bộ Y tế có một loạt thông tư, trong đó có mức giới hạn, ví dụ như danh mục thuốc thú y dùng trong thực phẩm (67 loại), thuốc bảo vệ thực vật, trước đây để ở thông tư. Bộ tiếp thu ý kiến của VASEP và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật An toàn thực phẩm", ông Cường nói. 

Một giấy phép con gây khó doanh nghiệp

Đặc biệt, theo VASEP, thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm hiện được tiến hành theo quy trình và cách thức như là một giấy phép con đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định, thời gian trả lời là 15 ngày làm việc với thực phẩm thường và 30 ngày làm việc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng kể từ khi nộp đủ hồ sơ. Nhưng thực tế sau những thời hạn quy định trên doanh nghiệp thường nhận được công văn yêu cầu bổ sung và thường nhận nhiều lần, mỗi lần bổ sung thời gian thẩm xét lại tính lại từ đầu.

Với 3 lần công văn bổ sung là đã mất khoảng 2-4 tháng. Cộng thêm thời gian kiểm nghiệm khoảng 1 tháng là mất tới 3-5 tháng để được cấp giấy phép, làm mất nhiều cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Hơn nữa, do không có các tiêu chí thẩm xét rõ ràng, các cán bộ thẩm xét tùy hứng bắt các doanh nghiệp bổ sung thêm đủ loại giấy tờ không có trong quy định, sửa đổi tiêu chuẩn theo quan điểm cá nhân khiến doanh nghiệp không biết đường nào mà lần nếu không thuê dịch vụ tư, trừ một số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài có đội ngũ nhân viên chuyên đăng ký”, văn bản của VASEP nêu rõ.

Thủ tục khó khăn như vậy, nhưng cứ sau mỗi 3-5 năm lại phải xin xác nhận công bố lại, kể cả sản phẩm không có gì thay đổi và luôn luôn đạt chất lượng tốt. Trong khi theo VASEP, thủ tục này không giúp cải thiện an toàn thực phẩm.

Theo chinhphu

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM