Phó Thống đốc NHNN: Cần khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Ngày 25/5/2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Hiệp hội VASEP, VIFOREST, 10 ngân hàng thương mại cùng các Bộ (Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Chú thích ảnh

Cuộc họp nhằm trao đổi về các biện pháp hỗ trợ vốn cho DN thủy sản và lâm sản, theo kết luận của Thủ tướng tại Thông báo số 167/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 1/5/2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản ngày 13/4/2023.

10 ngân hàng thương mại tham gia cuộc họp là các ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp và lâm sản, thủy sản lớn, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, ACB, LPB, MB, Nam Á Bank, SHB.

Gói 10.000 tỷ đồng không đủ, cần giải pháp thiết thực hơn như giảm lãi suất, nới room tín dụng...

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN đã có những kết luận mang tính định hướng các ngân hàng thương mại cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Theo Phó Thống đốc, thủy sản là ngành kinh tế rất quan trọng (tạo GDP cho đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và là ngành có năng lực cạnh tranh quốc tế...

Dư nợ của thủy sản hiện nay là 210.000 tỷ đồng và lâm sản là 190 nghìn tỷ đồng. Cho nên gói đề xuất 10.000 tỷ đồng không thể đủ, và không có ý nghĩa. Chưa kể nhiều gói tín dụng mang tính chất ưu đãi thì không còn tính kinh tế thị trường nữa. NHNN dự tính sẽ báo cáo Thủ tướng là không nên đưa ra gói này, mà cần xem xét đưa ra các cơ chế khác để có giải pháp xử lý tận gốc vấn đề (như giảm lãi suất, nới room tín dụng, giảm phí, thủ tục cho vay...).

Về room tín dụng, Phó Thống đốc khẳng định 2 ngành lâm, thủy sản là không có hạn mức, không Ngân hàng nào được áp hạn mức cho 2 lĩnh vực này nữa. Với các ngân hàng thương mại đã phân bổ hạn mức tín dụng cho các DN thủy sản thì các ngân hàng không nên cắt, giảm hạn mức của DN nữa.

Về lãi suất, từ đầu năm tới nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Phó Thống đốc đề nghị trước hết 4 ngân hàng thương mại nhà nước sau đó đến các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện đầy đủ chủ trương cắt giảm lãi suất này.

Riêng với 2 lĩnh vực lâm, thủy sản: áp dụng hạ lãi suất 0,5-1% cho các khoản vay mới. Với các khoản vay cũ, xem xét mức độ từng DN (khách hàng) để giảm lãi suất phù hợp.

Về vấn đề phí, thủ tục, các Ngân hàng hiện nay đều áp dụng nhiều khoản phí - phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)....Điều này khiến lãi suất vay ngắn hạn giữa VNĐ và USD không có gì khác nhau.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc kết luận: Các ngân hàng cần xem xét giảm các loại phí, giảm mức thu, để cuối cùng giảm 50% cho DN.

Về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 liên quan đến hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mức lãi suất 2% và việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, Phó Thống đốc kết luận tiếp tục thực hiện theo quy định và chỉ đạo chung của NHNN.

Tiếp cận tín dụng: cả DN và ngân hàng đều phải chủ động

Phó Thống đốc đề nghị các Hiệp hội và DN áp dụng bảo hiểm trong sản xuất nông-thủy sản. Có chương trình bán hàng, thúc đẩy thị trường để cho các ngân hàng thấy được khả năng tiêu thụ trong thời gian tới.

DN tích cực tham gia các Chuỗi sản xuất mà các Ngân hàng mong muốn, cùng với đó đầu tư mở rộng các hệ thống kho lạnh bảo quản để gia tăng sức chứa...

4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK thủy sản của nước ta sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,6 tỷ USD. Kim ngạch XK những mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra đều giảm từ 35-40%. Nhu cầu thị trường thu hẹp do lạm phát, căng thẳng địa chính trị trên thế giới trong khi DN khó tiếp cận được nguồn vốn để quay vòng sản xuất. Đặc biệt, DN chế biến và XK tôm không đủ vốn để thu mua tôm nguyên liệu dự trữ, để có thể chia sẻ bớt khó khăn với bà con nuôi tôm trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu hiện giảm mạnh. Cộng đồng DN và bà con trong ngành đang trông chờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực về nguồn vốn từ các Bộ, Ngành, ngân hàng để có thể duy trì và phục hồi sản xuất.

Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM