NHNN đã và đang triển khai các giải pháp tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Ngày 31/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 6024/NHNN-TD về kết quả xử lý thông tin báo chí phản ánh và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.

Chú thích ảnh

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 639/TTg-KTTH ngày 12/7/2023 về thông tin báo chí phản ánh và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, NHNN có ý kiến đối với những kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) như sau:

Về công tác tín dụng

NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong đó có lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với người dân, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có các DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở các giải pháp nêu trên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 5/2023 đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 2,44% so với cuối năm 2022, chiếm gần 25% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản đạt 214.870 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm 2022, chiếm 7,1% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.

Đối với việc hạ lãi suất

NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; giảm lãi suất tiền gửi và cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã được các NHTM giảm khá mạnh, nhiều loại hình tín dụng, nhiều đối tượng doanh nghiệp được giảm sâu đến 2-3% so với mức lãi suất cũ (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1,3%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay USD vẫn thấp hơn lãi suất cho vay VND nên doanh nghiệp vay USD vẫn đang có lợi thế trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN và các TCTD cũng đưa ra cam kết giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nên mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Nghị quyết 59/NQ- CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT- NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Việc cho phép TCTD cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến 30/6/2023, tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đạt 62.464 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế.

Về ban hành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/7/2023, NHNN đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản với: (1) Quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng; (ii) Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; (iii) Thời gian triển khai đến hết 30/6/2024.

Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình.

Về kiến nghị tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất được quy định tại các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ- TTg ngày 24/4/2020, Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng trong thời gian doanh nghiệp phải thực hiện dừng hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và đã kết thúc giải ngân từ ngày 31/3/2022.

Để các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, cần có sự triển khai đồng bộ các chính sách và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, cụ thể:

- Các Bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp tổng thể, trong đó giai đoạn hiện nay cần tập trung vào việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu;

- Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ thông tin, đánh giá dự báo về thị trường;

- Các doanh nghiệp thủy sản: (i) Cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh, xây dụng phương án dự án sản xuất kinh doanh khả thi; (ii) Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản; (iii) Chủ động tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường.

Công văn số 6024/NHNN-TD ngày 31/7/2023 của NHNN

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM