(vasep.com.vn) Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Văn kiện được đánh giá là dấu mốc chính trị quan trọng, khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng nhất trong nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết này được giới doanh nhân đánh giá như một cam kết mạnh mẽ của Đảng trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và an toàn hơn cho khu vực doanh nghiệp.
Sau 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản, hạn chế về quy mô, năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính, trình độ quản trị, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chưa đáp ứng được kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước và đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động là cấp bách, cần có giải pháp tổng thể, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin và tạo xung lực mới cho tăng trưởng. Các điểm hỗ trợ và cơ chế đổi mới nổi bật:
Đổi mới tư duy và nhận thức
Nhất quán nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất và lực lượng tiên phong của nền kinh tế quốc gia. Xóa bỏ triệt để những tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân.
Nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xem doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.
Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin, tự cường, tự hào dân tộc.
Hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển từ quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Giảm thiểu sự can thiệp hành chính và xóa bỏ các rào cản, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"
Đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật để môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là gia nhập/rút lui thị trường, đất đai, thuế, hải quan.
Hoàn thành rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, chi phí tuân thủ pháp luật, và điều kiện kinh doanh vào năm 2025. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số.
Tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, phân cấp rõ ràng và xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đảm bảo và bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng
Đảm bảo kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực (vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu...). Hoàn thiện pháp luật thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh.
Chấm dứt tình trạng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân.
Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, chỉ thực hiện mỗi năm 1 lần trừ khi có bằng chứng rõ ràng về vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng để nhũng nhiễu.
Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước khi xử lý hình sự.
Đảm bảo việc niêm phong, kê biên tài sản liên quan đến vụ án phải đúng thẩm quyền, trình tự, phạm vi, không xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và đảm bảo giá trị tài sản tương ứng với hậu quả dự kiến.
Tạo thuận lợi tiếp cận nguồn lực
Đẩy mạnh số hóa để tạo thuận lợi tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Công khai, minh bạch thông tin về đất đai. Giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận.
Vốn: Đa dạng hóa nguồn vốn, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay dựa trên phương thức kinh doanh, dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị. Đẩy mạnh tín dụng xanh và có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho dự án xanh.... Hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hoàn thiện khung pháp lý cho Quỹ Phát triển DNNVV, mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục. Khuyến khích các hình thức cho vay ngang hàng, giao dịch gọi vốn cộng đồng.
Nhân lực chất lượng cao: Tập trung phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chất lượng cao. Hỗ trợ hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Chi phí đào tạo nhân lực của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng giám đốc điều hành. Thúc đẩy giáo dục, đào tạo kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số.
Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Triển khai quyết liệt các chủ trương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với hoạt động R&D bằng 200% chi phí thực tế. Có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế TNDN để lập quỹ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, R&D.
Hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn
Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, dự án KHCN trọng điểm (như đường sắt cao tốc, công nghiệp mũi nhọn, năng lượng, hạ tầng số, công nghiệp quốc phòng, an ninh).
Xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số/xanh.
Xây dựng, triển khai Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global), hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối.
Cải thiện quan hệ nhà nước - doanh nghiệp
Thiết lập mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền với doanh nghiệp chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, tận tụy giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân.
Phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Nghiêm cấm việc thao túng, trục lợi chính sách, lợi dụng, làm tha hóa cán bộ, công chức.
Nghị quyết 68-NQ/TW thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và hỗ trợ tối đa cho khu vực kinh tế tư nhân, nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của khu vực này để đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những thập kỷ tới....Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nêu trong Nghị quyết sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế tư nhân thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, vươn tầm khu vực và thế giới.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025