Một lần nữa, VASEP đề nghị bỏ quy định sử dụng mã nước ngoài khỏi Nghị định 74/2018

(vasep.com.vn) Cho tới nay, VASEP đã gửi hai công văn báo cáo và kiến nghị (vào tháng 4 và tháng 10/2020) tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan về việc giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu tại Nghị định số 74/2018 (NĐ 74/2018). Ngoài ra, các cuộc họp, VASEP cũng nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định về sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại NĐ 74/2018. Tuy nhiên, hiện nay nội dung này vẫn có trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2012/NĐ-CP và 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ đang được lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Quy định không có cơ sở pháp lý, thực tiễn và thông lệ quốc tế

Ngày 5/11/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ gửi văn bản số 3356/BKHCN-TĐC đề nghị VASEP góp ý cho dự thảo trên. Phúc đáp về việc này, VASEP một lần nữa khẳng định rằng, VASEP tiếp tục đề nghị bãi bỏ quy định về sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại NĐ 74/2018 vì quy định này không những không có cơ sở pháp lý, mà còn hoàn toàn không có cơ sở thực tiễn và thông lệ quốc tế. Tổ chức GS1 quốc tế cũng như Chính phủ các nước không có quy định pháp lý để quản lý nhà nước đối với mã số mã vạch hàng hoá XNK.

Theo VASEP, việc tiếp tục có điều khoản về “sử dụng mã nước ngoài” trong một Nghị định của Chính phủ (một văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực thi Luật) dù dưới phương diện không có quy định cụ thể đi kèm, nhưng sẽ là không cần thiết và không phù hợp khi nội dung đó không phù hợp để quản lý bằng pháp lý.

Tại Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP (Sửa đổi khoản 2, Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP) chỉ đề cập đến mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài nhưng trong Dự thảo lại đề cập đến mã nước ngoài (tức là ngoài MSMV còn bao gồm nhiều mã khác ví dụ như QR code,...). Quy định này đã đưa toàn bộ mã nước ngoài được các tổ chức sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam vào phạm vi quản lý Nhà nước trong khi về bản chất, các mã này hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước mà chỉ là các mã sử dụng mang tính tự nguyện trong các chuỗi quản lý hàng hoá của chủ hàng. Việc Dự thảo mở rộng phạm vi sang các mã khác ngoài MSMV cũng đang đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9208/VPCP-KGVX ngày 4/11/2020 về việc sửa đổi quy định pháp luật về sử dụng MSMV nước ngoài

Quy định “tự chịu trách nhiệm” thiếu rõ ràng, dễ gây nhiều cách hiểu

Dự thảo quy định: “Tổ chức tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã nước ngoài” nhưng điều này không đảm bảo rằng tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng mã nước ngoài có tiếp tục bị các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra hay hậu kiểm việc sử dụng mã nước ngoài hay không. Bởi vì “tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về sử dụng mã nước ngoài” là “pháp luật” nào trong phạm trù này? Quy định này của Dự thảo không chỉ thiếu rõ ràng mà còn dễ dẫn đến các cách hiểu khác nhau cho cả DN và cơ quan Nhà nước.

Đặc biệt, điều dễ thấy là sự không đồng bộ trong quy phạm pháp luật về vấn đề này, khi mà Khoản 1 và 3 của Điều 32 trong Nghị định 119/2017/NĐ-CP đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về mã số mã vạch (MSMV) vẫn chưa được Bộ Khoa học Công nghệ sửa đổi, bãi bỏ đồng bộ trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

Cụ thể là tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2017/NĐ-CP do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo, các quy định về xử phạt đối với các vi phạm hành chính về MSMV nước ngoài đang vẫn được giữ nguyên như tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP. VASEP cũng đã gửi công văn số 121/2020/CV-VASEP tới Bộ góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 119/2017 nói trên, trong đó VASEP cũng đã có các góp ý, đề nghị rõ ràng: “bỏ điểm đ, Khoản 1, bỏ điểm a, Khoản 3 và sửa đổi điểm e, Khoản 1 của Điều 32 Nghị định 119/2017/NĐ-CP” để đồng bộ quy phạm pháp luật với đề nghị bãi bỏ quy định sử dụng MSMV nước ngoài tại NĐ 74/2018/NĐ-CP kể trên.

Rõ ràng, việc quy định “tự chịu trách nhiệm...” tại Dự thảo sửa đổi NĐ 74/2018 và việc giữ nguyên các quy định xử phạt tại Dự thảo sửa đổi NĐ 119/2017 là không phù hợp, không đồng bộ trong các quy định về quản lý MSMV nước ngoài đối với hàng XK nói riêng, gây khó khăn trong việc thực thi các quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nói chung..

Do đó, VASEP tiếp tục đề nghị bỏ quy định về sử dụng mã nước ngoài khỏi Nghị định 74/2018/NĐ-CP; đưa quy định về mã nước ngoài ra khỏi Dự thảo sửa đổi.

Đồng thời đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu, sửa đổi Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm như các góp ý, đề xuất của VASEP tại công văn số 121/2020/CV-VASEP ngày 12/10/2020 để đồng bộ các quy định.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM