Chủ tịch danh dự VASEP: Qua gần ¼ thế kỷ, DN chế biến thủy sản dưới mái nhà chung VASEP đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình

(vasep.com.vn) Tại Lễ mừng Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD diễn ra ngày 10/12/2022, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP đã có bài phát biểu đầy cảm xúc chúc mừng các doanh nhân thủy sản, nông dân, ngư dân, VASEP, Bộ NNPTNT và toàn ngành về những nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được thành tựu ngày hôm nay. Trong đó có ôn lại những cột mốc nổi bật trong chặng đường XK thủy sản từ mốc 1 tỷ USD năm 2000 tới 10 tỷ USD năm 2022. Ban Biên tập Bản tin TMTS xin đăng tải nguyên văn bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng Minh tại sự kiện đáng nhớ này.

Chú thích ảnh

Cách đây 22 năm, năm 2000, tại Hà Nội, VASEP đã tổ chức Lễ mừng Xuất khẩu Thủy Sản vượt mốc 1 tỷ USD, một con số rất ấn tượng vào thời điểm đó. Phó Thủ Tướng Vũ Khoan đã thay mặt Chính phủ đến dự Lễ mừng. Và hôm nay tôi rất vui mừng được đứng tại đây tham dự Lễ mừng XKTS vượt mốc 10 tỷ USD. Tôi xin nhiệt liêt chúc mừng các doanh nhân thủy sản, chúc mừng những người nông dân, ngư dân, chúc mừng VASEP, chúc mừng Bộ NNPTNT về những nỗ lực, lao động sáng tạo không ngừng nghỉ để luôn đứng trong tốp ba các quốc gia XK thủy sản, đã chinh phục con số 10 tỷ USD và nhiều khả năng năm nay sẽ có thể vươn lên tốp 2 các quốc gia XK thủy sản. Một con số mà năm 2008, tổ tư vấn soạn thảo Chiến lược XK Thủy sản đến năm 2025 mà tôi tham gia, không thể nghĩ tới.

Tại ngày vui này, tôi xin được ôn lại vài cột mốc quan trọng đã làm nền cho sự phát triển đến nay. Nhắc lại để chúng ta cùng học những bài học cho chặng đường sắp tới. Năm 1998, là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng nhất để từ đó Thủy sản vượt lên trở thành ngành công nghiệp XK Thủy sản hội nhập mạnh mẽ. Đó là năm mà Thủy sản Việt Nam được EU công nhận danh sách 18 DN đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu vào châu Âu. Để đạt được sự công nhận này chúng ta phải chứng minh được 3 điều kiện tương đương: tương đương với các qui định của EU về luật pháp (liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm); tương đương về năng lực của cơ quan thẩm quyền ( NAFIQACEN thành lập tháng 8/1994, tiền thân của NAFIQAD); và sự đáp ứng các Tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Đó là những năm mà trong nội bộ ngành đã có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy, định hướng phát triển, đã chứng kiến tinh thần học hỏi và đổi mới không ngừng của các doanh nghiệp, sự chuyển hướng mạnh mẽ từ xuất khẩu nguyên liệu, sang xuất khẩu sản phẩm chế biến. Đã có những ý kiến trong cơ quan Bộ, Nhật là thị trường chiếm 95% thị phần XK thủy sản Việt Nam, việc gì phải đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, việc gì những thị trường xa như Mỹ. Đã có những tranh luận ngay trong đội ngũ kỹ thuật của Bộ, tiêu chuẩn HACCP cao quá, khó quá hay là chỉ tập trung hướng dẫn DN áp dụng SSOP (Quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh). Về phía doanh nghiệp, rất nhiều câu hỏi đươc đặt ra trong các Hội nghị Chất lượng toàn quốc mà Bộ Thủy sản tổ chức hàng năm: Để đạt tiêu chuẩn EU về Điều kiện sản xuất DN phải đầu tư cải tạo nhà xưởng, phải tổ chức lại hệ thống quản lý, Bộ Thủy sản có đảm bảo rằng DN sẽ có thể có thị trường không?

Tại  Bộ Thủy Sản, sau quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp, việc lựa chọn để chính thức gửi danh sách DN đề nghị EU công nhận là một việc hết sức căng não. Tiêu chí nào để chọn DN vào danh sách này, và nên đề nghị bao nhiêu DN để EU dễ chấp nhận? Thật là một cuộc dò đá tìm đường! Đã nghiên cứu kinh nghiệm các nước, thăm dò ý kiến của các quan chức châu Âu, đã họp thảo luận với các DN. Rốt cuộc không ai khác, chúng ta phải tự chọn con đường cho mình. Sau nhiều cuộc thảo luận, ngoài các tiêu chí như đã XK vào EU, đã đáp ứng các qui định về Điều kiện SX, phải đưa ra thêm một tiêu chí, đó là những DN đã xử lý tốt các lô hàng và có báo cáo kết quả sau khi bị phát hiện vi phạm qui định về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu vào EU. Con số đã dừng lại là 15 DN chế biến, để tăng số lượng, đã đưa thêm 3 DN SX nước mắm là những DN ít gặp rủi ro về ATVS TP nhất.

Rút kinh nghiệm các nước, đã có những cuộc biểu tình của DN sau khi công bố tên DN vào danh sách dầu tiên đề nghị EU công nhận và lường trước những phản ứng, Bộ đã báo cáo và đã nhận được sự đồng tình của Chính phủ và các Bộ về các tiêu chí chọn lựa. Để tránh áp lực từ phía doanh nghiệp có thể làm phức tạp tình hình, đã có chỉ đạo không công bố công khai với công luận danh sách này. Nhưng áp lực vẫn rất lớn, các cuộc điện thoại không ngớt chất vấn, vì sao không có DN nhà nước mà cho DN tư nhân vào danh sách, vì sao DN nhỏ xíu không bằng nhà để xe của chúng tôi được vào? DN lớn như này mà không được vào danh sách …Mệt mỏi vì phản ứng từ địa phương, có Lãnh đạo Bộ đã có ý kiến cứ đưa vào danh sách những DN lớn hoặc DN nhà nước. Rất may là nhờ kiên định giữ những tiêu chí đưa ra, rồi quyết sách của Chính Phủ về cân bằng lợi ích thương mại giữa hai bên mà sau đó EU đã công nhận danh sách này.

Kết quả của việc vào được thị trường châu Âu đã trở thành một cổng thoát cho thủy sản Việt Nam khi Nhật và các nước châu Á bị thiệt hại nặng nề do cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Châu Á năm 1998. Năm 1998 tỷ lệ xuất khẩu tuy giảm đi  (817 triệu USD) nhưng vẫn tăng 5% so với tỷ lệ tăng 14% của năm 1997( 783 triệu USD)  và năm 1999 (917 triệu USD) tỷ lệ tăng 19%. Vào được thị trường EU cũng mở lối thoát cho cá tra Việt Nam khi năm 2002, Mỹ công bố việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra. Cá tra có cơ hội bứt lên do sự thiếu hụt lớn cá thịt trắng tại thị trường EU. Liệu rằng cá tra có thể tận dụng lợi thế thiếu nguồn cung này của EU, nếu như trước đó Việt Nam không được EU công nhận đạt 3 điều kiện tương đương như nói trên?

Có ý kiến rằng thủy sản Việt Nam may mắn khi được dự án SEAQIP của Đan mạch tài trợ trong 10 năm liên tiếp. Đúng là có một sự may mắn khi ngành thủy sản có sự hỗ trợ của dự án SEAQIP. Không như những dự án quốc tế khác, đơn thuần hỗ trợ kỹ thuật, SEAQIP mang đến một gói hỗ trợ tổng thể. Hỗ trợ kỹ thuật (đào tạo HACCP, Tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất…), hỗ trợ tăng cường năng lực thể chế (xây dựng năng lực cho cơ quan thẩm quyền NAFIQACEN, hỗ trợ thành lập Hiệp hội VASEP), hỗ trợ tiếp cận thị trường (mang DN tham gia các Hội Chợ Thủy sản Quốc Tế lớn, giới thiệu kết nối với các nhà mua quốc tế). Chúng ta cảm ơn chính phủ Đan Mạch vì dự án rất ý nghĩa này, cảm ơn Giám đốc và các chuyên gia quốc tế, chuyên gia Việt Nam của SEAQIP đã dành nhiều tâm huyết để giúp thủy sản Việt Nam thay đổi. Nhưng dự án không thể thành công nếu thiếu đi tinh thần học hỏi, đổi mới không ngừng của cộng đồng DN thủy sản, thiếu đi sự kịp thời, phối hợp, đồng hành của Bộ Thủy sản. Riêng với sự kiện Việt Nam được EU công nhận đạt 3 điều kiện tương đương và danh sách 18 doanh nghiệp đầu tiên thì không thể thiếu sự hỗ trợ của các Bộ liên quan, sự quyền biến về ngoại giao và đối sách thương mại phù hợp của Chính phủ.

Sự công nhận của EU đồng thời là khởi đầu vô cùng thuận lợi để thủy sản Việt Nam lần lượt được cơ quan thẩm quyền các thị trường Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung quốc công nhận.

Năm 1998 cũng là năm thành lập VASEP trong điều kiện chưa có văn bản pháp lý đầy đủ về lập Hội, không có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc lập Hội. Đã có nhiều công sức kể cả đấu trí, đấu lý tìm đường vượt qua rào cản hành chính, rào cản nhận thức về vai trò hiệp hội doanh nghiệp ở các cấp tham mưu để cuối cùng Thủ Tướng Chính Phủ đồng ý và Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ban hành văn bản cho phép thành lập VASEP. Kể từ đó VASEP trở thành tổ chức phi chính phủ đầu tiên trong ngành hàng thực phẩm, hỗ trợ DN, phản biện chính sách, đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập của ngành công nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam.

Là người trong cuộc nên đôi khi chúng ta không nhận ra những thành tựu mà chúng ta đạt được. Chị Laura Chirot, người Mỹ, đã dày công tìm hiểu về quá trình phát triển của thủy sản Việt Nam và với đề tài thủy sản Việt Nam, đã bảo vệ luận án thành công Tiến Sỹ tại ĐH Massachusetts danh tiếng của Mỹ. Luận án TS của Laura Chirot tập trung 2 vấn đề: Một là về việc làm thế nào để ngành chế biến thủy sản Việt Nam nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế vào những năm 90 và là một trong những ngành hội nhập thành công khá sớm, trong đó phân tích vai trò, mối quan hệ giữa Bộ Thủy Sản, NAFIQAD và VASEP. Hai là về sự thành công của Việt Nam trong việc vượt qua các rào cản do Mỹ đặt ra để ngăn cản cá tra Việt Nam.

Để hội nhập quốc tế rất sớm, trở thành một ngành công nghiệp mạnh của đất nước, chúng tôi đã chứng kiến một tinh thần học hỏi mạnh mẽ. Những lớp học do dự án Seaqip tổ chức về qui định về điều kiện sản xuất của EU, về HACCP, hay về đổi mới kỹ năng quản lý, về thị trường luôn không đủ chỗ ngồi vì số DN đến xin tham gia ngoài danh sách dư kiến. Chúng tôi chứng kiến sự đầu tư cải tạo nhà xưởng, cải cách quản lý theo nguyên tắc của HACCP tại nhiều DN. Sau khi chính thức vào được EU thì mới biết tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất EU chỉ là nền tảng căn bản. Để vào được thị trường, vào các chuỗi siêu thị lớn, DN thủy sản đã gần như thường xuyên đối mặt và vượt qua những rào cản kỹ thuật khác của các tổ chức phi chính phủ như BAP, ASC và không dừng lại ở tiêu chuẩn kỹ thuật mà đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội ngặt nghèo hơn như CSR, tiêu chuẩn ESG tích hợp các yêu cầu môi trường- xã hội- quản trị.

Riêng về cá tra, để ngăn cản cạnh tranh với cá catffish, phía Mỹ đã lần lượt đưa ra rất nhiều rào cản thương mại & kỹ thuật từ thấp đến tinh vi. Khởi đầu là việc Quốc hội không cấp ngân sách cho FDA để kiểm tra cá tra nhập khẩu, rồi không cho cá tra Việt Nam mang tên Catfish. Khi áp thuế chống bán phá giá không ngăn cản được, Mỹ đã chuyển quản lý cá tra từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Mỹ để áp chỉ riêng cho ngành sản xuất cá tra các tiêu chuẩn vốn trước nay sử dụng cho các vật nuôi trên cạn.

Nhưng kết quả là chúng ta đã vượt qua tất cả. Từ một DN nay có nhiều DN đạt thuế suất bán phá giá bằng “zero”, cá tra tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào Mỹ đồng thời cũng mở ra thành công tại nhiều thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản….

Một thành viên của Bộ Thương Mại Mỹ nói với chúng tôi: rất khâm phục tinh thần sẵn sàng đương đầu của DN Việt Nam trước vụ kiện chống bán phá giá. Bởi có một số nước đã không dám đương đầu, rời bỏ hẳn thị trường Mỹ khi bị áp thuế chống bán phá giá.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, từ lãnh đạo Bộ đến vụ cục, đến các DN và VASEP, HACCP, yêu cầu về Điều kiện sản xuất của EU, thuế chống bán phá giá thật sự là những khái niệm rất xa lạ, nhưng cứ bước đi thì cánh cửa sẽ mở ra, cho dù có những bước rất khó khăn.

Tất cả đã chung một tinh thần Không bỏ cuộc - Tinh thần Việt Nam!

Nay, biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ môi trường. Các nước EU một lần nữa đi tiên phong trong vấn đề tiêu chuẩn. Năm 2019,  EU đã khởi động chiến dịch Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Trong các qui định cốt lõi, nổi bật lên là chiến lược Farm to Fork - F2F (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường). F2F hướng đến 2030 giảm 50% sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật, giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; 25% diện tích đất nông nghiệp là chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ… EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường.

Thủy sản Việt Nam sẽ làm gì để vượt qua rào cản này? Chờ qui định của nước nhập khẩu để tuân theo thực hiện với chi phí không nhỏ để rồi thụ động lệ thuộc hay chúng ta sẽ chủ động để nhân thách thức này xây dựng thương hiệu Xanh của Thủy sản Việt Nam trên nền tảng một bộ Tiêu chuẩn SX-TM Thủy sản Xanh và xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cùng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển cộng đồng thủy sản Xanh trên nền tảng Qui tắc ứng xử chung (Code of conduct), đồng thời đóng góp cho việc gìn giữ môi trường trong lành chung.

Trong lịch sử phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế giới, nhiều cộng đồng cùng sản xuất một sản phẩm của các nước đã tự tổ chức lại, tự đặt tiêu chuẩn cho mình, có qui chế kiểm soát nội bộ để kiểm soát sự tuân thủ, có thương hiệu chung và ngân sách để truyền thông về thương hiệu chung và phát triển thị trường. Thương hiệu chung đối với một loại nông sản là rất cần thiết để thị trường có thể nhận biết.

Người tiêu dùng sẽ rất rối khi cũng là sản phẩm từ Việt Nam nhưng mang rất nhiều thương hiệu khác nhau. Cá tra Vĩnh Hoàn, cá tra Biển Đông, Tôm Minh Phú, Tôm Sao Ta… hay chỉ một thương hiệu là dấu hiệu nhận biết chung cho thủy sản Việt Nam? Ấy là chưa kể đến truyền thông để tăng sự nhận biết và tiêu dùng của người dân một nước, cần sự chung tay bởi đó là nỗ lực lâu dài và tốn kém. Na Uy đã cần 10 năm để người tiêu dùng Nhật chấp nhận tiêu dùng cá hồi nuôi thay vì chỉ dùng cá hồi đánh bắt từ biển.

Nhờ truyền thông tích cực, nhu cầu thị trường tăng lên, từ đó họ làm chủ cuộc chơi về giá bán. Có thể kể tên rất nhiều cộng đồng như thế: cá hồi Na Uy, trái kiwi Zespri từ New Zealand, Cognac của Pháp.

Nên việc EU sắp áp đặt F2F cho thực phẩm nhập khẩu, thì thay vì chờ để họ áp đặt, việc chủ động xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp trên nền tảng các Tiêu chuẩn phủ hợp thể hiện qua dấu hiệu chung là nhãn xanh, phối hợp và chia sẻ trên nền tảng Qui Tắc ứng xử, triển khai chương trình marketing- truyền thông đến đối tượng tiêu dùng thích hợp,  là cơ hội để thủy sản xây dựng cộng đồng Sản xuất thực phẩm Xanh thực sự có nội lực để bứt phá, vượt qua mọi thách thức đạt tới những tầm cao mới.

Gần ¼ thế kỷ qua Doanh nghiệp chế biến thủy sản dưới mái nhà chung VASEP đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. VASEP sẽ đi tiếp con đường nào để tiếp tục dẫn dắt cộng đồng vượt qua những thách thức phi truyền thống, những thách thức rất mới? Một cộng đồng thực sự kết nối vì mục tiêu chung, với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ, hợp tác, chắc chắn sẽ có đủ nội lực tự thân để vượt qua và chinh phục mọi thách thức.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM