Bất cập trong quy định không cho phép thực hiện kiểm hóa hộ hàng xuất khẩu

(vasep.com.vn) Ngày 09/8/2018, VASEP đã gửi Công văn 110/2018/CV-VASEP kiến nghị Tổng cục Hải quan về bất cập trong quy định không cho phép thực hiện kiểm hóa hộ hàng XK.

Gần đây, VASEP nhận được phản ánh của các DN hội viên liên quan đến bất cập do quy định không cho phép thực hiện kiểm hóa hộ hàng XK tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trước đây, DN đăng ký tờ khai Hải quan tại Chi cục Hải quan tỉnh nơi DN đặt nhà máy, sau đó làm văn bản đề nghị Chi cục Hải quan tỉnh chuyển Chi cục Hải quan tại cảng xuất (ví dụ như Chi cục Hải quan cảng Cát lái) thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa hộ. Tuy nhiên, kể từ ngày 5/6/2018 (ngày Thông tư 39/2018/TT-BTC có hiệu lực) thì các Chi cục Hải quan tỉnh từ chối theo quy định tại Khoản 19, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Khoản 9 Điều 29 Thông tư 38/2018/TT-BTC: Việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản này chỉ áp dụng đối với hàng xá, hàng rời và hàng hóa nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất...”

Thông thường thành phẩm của các DN sản xuất đều tập kết gửi tại các kho ở thành phố Hồ Chí Minh như kho Swire, Preffered... và xuất khẩu tại cảng Cát Lái, cảng VICT... Thậm chí một số trường hợp các lô hàng xuất đi các thị trường có yêu cầu chiếu xạ như hàng xuất đi thị trường Mỹ yêu cầu chiếu xạ gần 100% nên các DN đều cần tập kết hàng tại các kho lạnh ở Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh do chỉ có hai tỉnh này có xưởng chiếu xạ.

Tuy nhiên, trong trường hợp lô hàng bị xếp vào luồng đỏ, sau khi tập kết hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, do không còn được phép xin làm kiểm hóa hộ, DN lại phải đưa hàng trở lại địa phương để làm thủ tục khai báo Hải quan sau đó lại đưa hàng về lại thành phố Hồ Chí Minh để xuất hàng, tốn kém thêm rất nhiều thời gian và chi phí cho DN.

Theo ý kiến của các DN, phương án để DN đăng ký mở tờ khai Hải quan để kiểm hóa trực tiếp tại Chi cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh là không phù hợp do tạo thêm nhiều thủ tục phát sinh. Bởi nhiều lô hàng được sản xuất từ nguyên liệu nhập để sản xuất XK. Nguyên liệu khi nhập vào đã đăng ký khai báo tại Chi cục Hải quan địa phương, nên khi xuất ra DN cũng khai tại Chi cục Hải quan địa phương để thuận tiện cho việc theo dõi Nhập-Xuất-Tồn giữa DN và Chi cục Hải quan địa phương cũng như thuận tiện cho việc làm báo cáo quyết toán sau này.

Theo qui định DN vẫn được phép khai xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhưng phải làm thủ tục thông báo cho Chi cục Hải quan nơi mình đã nhập NK nguyên liệu để sản xuất XK vào trước khai báo xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu và thủ tục khá phức tạp nên đa phần DN không chọn phương án này được.

Không phải 100% container chiếu xạ điều phải kiểm hoá, nhưng số lượng container xuất phải chiếu xạ thì rất nhiều (có DN ít nhất cũng 30-40 container/tháng trở lên). Như vậy không thể khai báo Hải quan toàn bộ các container tại Chi cục Hải quan cửa khẩu được vì khi khai xong mới biết được container nào phải kiểm hoá, container nào không phải làm thủ tục kiểm hóa, chưa kể nếu tất cả các DN đều làm thủ tục khai báo Hải quan cho tất cả các container  hàng của DN thì sẽ xảy ra tình trạng ách tắc.

Trước đây, một DN đã từng  gửi công văn tới Chi cục Hải quan Bình Thuận xin được mở tờ khai (cho hàng sản xuất XK hoặc gia công XK) và đăng ký bổ sung điểm kiểm tra Hải quan tại Hải quan cảng Cát Lái nhưng Chi cục Hải quan Bình Thuận cũng không chấp nhận với lý do hàng gia công XK, SXXK nhập nguyên liệu  ở đâu thì khi xuất đi phải đăng ký tại Chi cục đó để thống nhất Quản lý thanh khoản. Và việc DN tự chuyển hàng thành phẩm  đi thành phố Hồ Chí Minh mà chưa làm thủ tục Hải quan tại Bình Thuận là sai qui định.

Sau đó, Cục Hải quan Đồng Nai (đơn vị chủ quản của Chi cục Hải quan Bình Thuận) cũng đã có công văn số 0899/HQĐNa-ĐKS ngày 9/5/2014 gửi DN khẳng định lại việc từ chối trên.

Hiện nay, thông qua hệ thống điện tử, Chi cục Hải quan các tỉnh có thể dễ dàng xem xét, đối chiếu hồ sơ các lô hàng với thực tế hàng hóa. Nhưng việc không cho phép các Chi cục Hải quan kiểm hóa hộ lại vừa tạo thêm các thủ tục hành chính, tăng chi phí và thời gian cho DN vừa không chống được gian lận thương mại.

Tại CV 110, VASEP kiến nghị Tổng cục Hải quan sớm xem xét cho phép các Chi cục Hải quan các địa phương được kiểm hóa hộ như trước đây nhằm giải quyết các vướng mắc hiện nay của DN thủy sản, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM