(vasep.com.vn) Tính tới tháng 11/2023, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Trung Quốc & HK đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc & HK tiếp tục giảm 24% đạt 52 triệu USD trong tháng 11/2023. Nhu cầu của thị trường này không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9,10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc & HK là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường NK chính.
Nhu cầu NK tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc &HK không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador.
Nhu cầu NK tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp. Nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, XK tôm Việt sang thị trường này dự kiến vẫn giảm so với cùng kỳ.
XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc & HK dao động từ 543 triệu USD năm 2019 đến 664 triệu USD năm 2022. Trong 5 năm qua, XK tôm sang thị trường này dao động không ổn định nhưng thị trường này vẫn duy trì là thị trường NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù, XK tôm sang thị trường Trung Quốc & HK năm 2023 giảm so với năm 2022 (năm mà kim ngạch XK tôm đạt kỷ lục) nhưng vẫn tăng so với các năm trước đó.
Thị trường tiềm năng nhưng cạnh tranh gay gắt
Dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu tôm sú, tôm chân trắng đang hồi phục. Vị thế địa lý gần thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc về chi phí logistics.
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế nhưng có vẻ họ không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thuỷ sản nội địa. Bởi, Trung Quốc không coi đây là ngành hàng chủ lực có lợi nhuận cao. Do đó, đây là cơ hội cho Việt Nam tăng XK vào thị trường này.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây.
Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và Châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể.
Đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản, nông sản của Việt Nam. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.
Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước XK tôm như Ecuador, Ấn Độ với nguồn cung tôm nguyên liệu giá rẻ nên tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, DN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến tôm tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.
Để có được thông tin đầy đủ hơn về XK tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng như toàn cảnh sản xuất, XK tôm Việt Nam và vị thế tôm Việt Nam trong bức tranh ngành tôm thế giới trong 6 năm qua cùng với dự báo tới năm 2025, xin đón đọc Báo cáo ngành hàng tôm 2018 - 2023 và dự báo đến năm 2025