Từ Covid-19 nhìn về cuối năm

(vasep.com.vn) Cuối năm trước, khi Covid-19 diễn ra không một nhà khoa học nào có thể đưa ra dự đoán chính xác diễn tiến của đại dịch này. Qua đúng một năm, sau khi Covid-19 đại náo toàn thế giới tạo ra bao thiệt hại về người lẫn của, khi vắc xin đã sắp hoàn thành, người ta mới dám phỏng đoán Covid-19 sẽ còn tác động ít nhất 2 năm nữa.

Nếu dự đoán này chính xác, thế giới còn mất thêm 2 năm để sống chung với hoàn cảnh đầy âu lo hàng ngày. Dù có thể càng về sau, khi chính thức có vắc xin thì nỗi âu lo sẽ giảm dần đi.

Nhìn tác hại covid-19 tới thời điểm này, đã khoảng 45 triệu người mắc bệnh, trên triệu người mất mạng. Kinh tế thế giới mất bao ngàn tỷ đô chưa thống kê hết, nhưng nhiều ngành đã phá sản hoặc bên bờ vực. Covid-19 có thể “lật đổ” cả tổng thống cường quốc số 1 thế giới, cho thấy sức mạnh “tiềm ẩn” của nó cỡ nào! Thì việc nó làm thay đổi thái độ, hành vi người tiêu dùng cũng không có gì lớn. Nhưng nếu vì nó mà thay đổi suy nghĩ cách sống, cách ứng xử với thiên nhiên hài hòa hơn thì hay quá, lúc đó rất là trong nguy đã thấy cơ một cách chính xác, hiệu quả nhất.

Trở lại với con tôm, con cá chúng ta. Năm 2020, Covid-19 góp phần làm con cá tra thêm lao đao. Nhưng đổ lỗi hoàn toàn cho Covid-19 cũng không đúng. Bởi các nguồn cung cá thịt trắng trên thế giới khá hơn thì việc phân chia, giành giật thị phần xảy ra mạnh mẽ. Mình không nhận định kịp thời và có giải pháp ứng xử kịp lúc thì cái khó sẽ nặng nề hơn. Thật tình chuyện này nói dễ nhưng thực tế không dễ. Bởi tìm đâu ra thông tin, nhất là phải kịp thời nữa.

Doanh nhân nào chú ý thường xuyên, hy vọng sẽ có những thông tin mang tính chất bản lề, nhưng cũng chỉ có thể suy diễn từ đó để đưa ra nhận định của mình.

Thương chiến Mỹ Trung khiến thuế thủy sản hàng từ Trung bán qua Mỹ bị thuế nặng, 25%, có thể suy luận kho hàng cá rô phi phi lê lớn nhất thế giới của Trung đã tiêu thụ phần nào trong nước hoặc cá minh thái lại trúng vụ. Vì thế các hệ thống phân phối cá thịt trắng ở EU bèn tìm cách nói xấu cá tra để người tiêu dùng lánh xa… Tới giờ vẫn chưa thấy ai đưa ra nhận xét cho thỏa đáng vì sao cá tra mình tiêu thụ chậm, dù là mặt hàng có giá đâu cao, phù hợp túi tiền người tiêu dùng trong hoàn cảnh gặp khó vì Covid-19.

Nếu Covid-19 còn kéo dài, nếu không có dự tính rõ ràng, cái khó còn vây người nuôi cá tra và các doanh nghiệp (DN) chế biến cá những năm sau. Tất cả phải làm là tìm thông tin từ bây giờ. Dự báo tồn kho các DN cá và khả năng tiêu thụ cuối năm nay ra sao? Dự báo cá minh thái năm 2021 ra sao? Dự báo Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangadesh sẽ tăng trưởng sản lượng cá tra nuôi ra sao? Dự báo thương chiến Trung Mỹ kéo dài bao lâu? Toàn câu hỏi…khó.

Nhưng từ đó mới có thể xây dựng kế hoạch cho mình chính xác như: nuôi bao nhiêu là dễ tiêu thụ; nuôi năng suất nào có giá thành thấp hơn… Những ngày đầu tháng 11, giá cá đã tăng, người nuôi dễ thở hơn. Nhưng đó không phải là tín hiệu sáng từ thị trường, do cung - cầu trong nước đúng hơn. Người nuôi mỏi mòn, treo ao khá nhiều, cá thương phẩm giảm sụt, nhà máy phải duy trì lượng nguyên liệu để có việc làm. Tình hình này kéo dài, năm sau ngành cá sẽ hụt hẫng sản lượng.

Con tôm, có phần dễ thở. Nhưng không phải không bị tác động tiêu cực vì Covid-19. Rất nhiều bao bì đẹp đóng hàng giá trị cao xuất đến các nhà hàng, điểm vui chơi… phải tồn kho vì các hợp đồng bị phía đối tác gửi tin khẩn xin lùi hoặc hủy vì không có khách, vì phong tỏa xã hội…

DN tôi bán nông sản phối chế cho các nhà hàng ở bên Úc. Hợp đồng bị dừng vì Covid-19. Rồi bên Úc mở cửa, mừng, vì phía bạn thông tin tiếp tục giao hàng. Hàng vừa xuất, phía Úc lại đóng cửa nhà hàng vì Covid-19 tái nhiễm! Covid-19 làm đảo lộn nhiều toan tính ngắn hạn lẫn dài hạn, nhưng con tôm có cái may là các cường quốc nuôi tôm cũng đều lao đao với Covid-19 nên nguồn cung có suy giảm. Người tiêu dùng giảm đi nhà hàng thì tăng nhu cầu ăn uống ở nhà. Vậy là các đơn hàng cung cho hệ thống bán lẻ tăng lên khá mạnh.

Tuy nhiên, có điểm đáng nói để là kinh nghiệm cho năm sau. Khả năng tài chánh của người tiêu dùng có hạn, do Covid-19 tác động nên chọn mua tôm có giá thấp một chút. Tôm giá trị cao tiêu thụ không nhiều. Đại dịch này kéo dài, bài học là năm sau tập trung nuôi tôm thu cỡ nhỏ. Tóm lại, do nguồn cung thế giới suy giảm, con tôm vẫn tiêu thụ tốt dù giá không cao. Cho nên, năm nay sản lượng, doanh số tiêu thụ tôm sẽ không thua năm rồi. Hiện nay, do tôm nuôi bị bệnh vi bào tử trùng tấn công quá, cho nên người nuôi chùng tay thả giống mùa nghịch. Nếu không, năm nay doanh số con tôm còn cao hơn nữa. Với tình hình này, dù Covid còn tác động 1-2 năm sau, ngành tôm ta vẫn an toàn hơn ngành cá. Bởi cường quốc nuôi tôm lớn là Ấn Độ cũng đang vật lộn chống đỡ sự tác hại của covid-19 nên việc phục hồi ngành tôm của họ chưa thể nhanh được.

Nhìn về cuối năm, nhìn chung âu lo còn nhiều. Con tôm, dù có phần nhẹ thở hơn nhưng khi nhìn qua năm sau cũng không thể không âu lo về tình hình nuôi tôm, khả năng cung ứng nguyên liệu. Dự báo cuối năm nay là pha lạnh, La Nina, sẽ khiến tôm nuôi khó phát triển tốt cộng với bệnh tôm đang tiềm ẩn sẽ là thách thức lớn cho các trang trại, các hộ nuôi tôm năm sau. Cân đối cung - cầu khiến khó đoán giá tôm nguyên liệu sẽ có hình gì! Khi chưa tính toán được giá nguyên liệu thì làm sao mạnh tay ký kết hợp đồng. Để an toàn phải chờ đợi, nhưng chờ đợi có thể mất đơn hàng vì khách hàng chuyển qua mua tôm nước khác! Còn con cá tra, các vấn đề cần có đáp án đã nêu ra!

Covid-19 đã gây ngổn ngang khắp nơi. Dù gặp khó, nhưng con tôm, con cá chúng ta phải tiếp tục bơi, tự bơi. Con cá tra cứu mình qua việc nâng cao trình độ chế biến, tăng tỉ lệ sản phẩm chế biến sâu; mở rộng thị trường nội địa; tăng cường chế biến phụ phẩm góp phần giảm giá thành; có thông tin để điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp cung cầu thị trường… Tất cả trông chờ doanh nhân cá chung tay đoàn kết, nỗ lực quyết tâm vượt qua khó khăn. Bởi đây là mắt xích chính để thúc đẩy cả chuỗi giá trị con cá.

Con tôm, sản phẩm chủ lực ngành thủy sản, dù qua bao biến động, nhưng suốt hành trình hội nhập khoảng 25 năm qua đã chứng tỏ ý chí của cộng đồng doanh nhân tôm khá tốt, con tôm ta cơ bản chưa hề ứ hàng như các nước khác. Đó là động lực, sự tự tin cho sắp tới. Con tôm, nhân các thông tin đang có, sẽ có bài học chung cho cả ngành. Đó là qua sự kiện Minh Phú, các doanh nhân tìm hiểu luật pháp kỹ lưỡng hơn các nước mình muốn bán hàng vào đó. Chỗ này khoảng cách khá mơ hồ, nhạy cảm là do hàng rào bảo hộ trong nước hay đạo đức kinh doanh gây nên? Trong khi chờ đợi sự xác thực này, chắc chắn DN trong cuộc cũng sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

TS Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm