(vasep.com.vn) Tại Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội tổ chức ngày 12/6/2023, ông Đỗ Ngọc Tài- Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Tôm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh đã có bài trình bày nhận định tình hình XK tôm sang một số thị trường chính trong 6 tháng cuối năm 2023.
Ông Đỗ Ngọc Tài- Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Tôm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh
5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã XK tôm sang 84 thị trường, mang về doanh số 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Mỹ: 5 tháng đầu năm 2023, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 227 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. NK tôm vào Mỹ từ các nguồn cung tiếp tục ảm đạm với mức giảm 18%.
Nguyên nhân khiến XK tôm sang Mỹ giảm là do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn các nguồn cung đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chuyển sang dùng thực phẩm giá rẻ hơn.
Tồn kho còn nhiều nên các nhà NK Mỹ sợ giá còn giảm nữa nên chưa dám mua vào. Tồn kho cao, chất lượng sản phẩm ngày càng giảm, chi phí lưu kho cao, các nước sản xuất vào vụ thu hoạch, cung tăng, giá tôm sẽ tiếp tục giảm nữa.
Thêm vào đó, tại Mỹ, lãi suất tăng liên tục, lãi suất vay ở Mỹ tăng cao, thậm chí còn cao hơn Việt Nam, tác động tiêu cực tới nhu cầu NK tôm của thị trường này. Nhu cầu NK tôm của Mỹ có thể tăng nhẹ từ tháng 8 trở đi để phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm. Giá tôm cũng tăng nhẹ vì tồn kho nhiều, lạm phát và nguồn cung dồi dào từ Ecuador, Ấn Độ.
Thị trường EU: Những tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ chậm. XK tôm Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt 153 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chiến tranh Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá.
Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà NK hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.
Tại thị trường này, tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Gần đây, Ecuador, Ấn Độ bắt đầu tăng xuất hàng chế biến sang EU tuy nhiên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này. Nên tôm chế biến của Việt Nam tại thị trường EU vẫn còn nhiều dư địa.
Từ tháng 7, khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà NK EU bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp cuối năm.
Thị trường Nhật Bản:
5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 192 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Việt Nam chủ yếu XK tôm giá trị gia tăng sang thị trường này. Hàng truyền thống như tôm nguyên con từ Việt Nam xuất sang Nhật phải cạnh tranh mạnh với Ecuador, Ấn Độ vì giá tôm Việt Nam cao. 2 năm gần đây, Nhật Bản tăng mua nhiều tôm Ấn Độ.
XK tôm Việt Nam sang Nhật tương đối thuận lợi hơn các thị trường khác do tôm từ các nước Ecuador, Ấn Độ chưa đáp ứng được bằng hàng Việt Nam về hàng giá trị gia tăng. Dự kiến quý cuối năm nay, nhu cầu NK từ Nhật Bản sẽ tăng nhẹ.
Thị trường Trung Quốc &HK:
5 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 214 triệu USD, giảm 22%. 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn tăng mạnh NK tôm từ Ecuador, Ấn Độ. Theo tôi, nguyên nhân chính là do giá tôm Việt Nam cao. Từ tháng 8 trở đi, nhu cầu NK tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc dự kiến tăng nhẹ để phục vụ dịp Trung thu, Quốc Khánh và dịp lễ hội cuối năm.
Thị trường Hàn Quốc: 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 136 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến XK tôm sang thị trường này giảm. Từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu không biến động nhiều và tăng nhẹ để phục vụ dịp cuối năm.